nhân minh bát môn

Phật Quang Đại Từ Điển

(因明八門) Cũng gọi Nhân minh bát nghĩa. Tiếng dùng trong Nhân minh. Tám nghĩa môn do ngài Thương yết la chủ, Luận sư Tân nhân minh lập ra để thu tóm hết chính lí của Nhân minh. Đó là: Chân năng lập, Tự năng lập, Chân năng phá, Tự năng phá, Chân hiện lượng, Tự hiện lượng, Chân tỉ lượng, Tự tỉ lượng. 1. Chân năng lập (Phạm: Sàdhana): Lập luận đúng. Đây là luận thức đầy đủ, chính xác về mặt lí luận và chứng minh, tức là cả về hình thức và nội dung đều hoàn toàn không có lỗi, có thể đạt đến mục đích ngộ tha, nghĩa là làm cho người khác hiểu. 2. Tự năng lập (Phạm: Sàdhanàbhàsa): Lập luận sai. Đây là luận thức được thành lập 1 cách sai lầm, lí luận không rõ ràng, chứng minh không hợp lí, không làm sáng tỏ được ý nghĩa mình chủ trương, không thể làm cho đối phương tin phục và hiểu được ý mình. 3. Chân năng phá (Phạm: Dùwaịa): Phá luận đúng. Đây là trường hợp mình đả phá chủ trương lập luận của đối phương, làm cho họ thấy rõ được những sai lầm trong luận thức của họ (ngộ tha). 4. Tự năng phá (Phạm: Dùwaịàbhàsa): Phá luận sai. Đây là trường hợp mà luận thức của đối phương vốn đầy đủ và chính xác, nhưng mình lại cho là sai lầm nên muốn phá. Người phá luận trong trường hợp này dù có cố sức vạch lá tìm sâu thì cũng tự chuốc lấy thất bại mà thôi. 5. Chân hiện lượng (Phạm: Pratyakwa): Sự hiểu biết chính xác về hiện lượng. Lượng nghĩa là đo lường, là mực thước cho sự phân biệt đúng và sai của tri thức. Trí óc suy xét, cho cái này đúng, cái kia sai, là lượng. Khi ta dùng ngũ quan mà nhận thức sự vật chung quanh, như mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi… thì biết ngay mà không cần suy xét, thì gọi là Hiện lượng. Chân hiện lượng nghĩa là sự nhận biết bằng trực giác 1 cách đúng đắn, chính xác, khi thấy sợi dây thì biết ngay đó là sợi dây. 6. Tự hiện lượng (Phạm: Pratya= kwàbhàsa): Sự nhận thức về hiện lượng 1 cách sai lầm. Nghĩa là sự nhận biết về hiện lượng nhiều khi cũng rất sai lầm, vì đôi khi thấy khói cho là mây, thấy sương bảo là khói, trong lúc vội vàng thấy sợi dây cho ngay đó là con rắn… đó là Tự hiện lượng. 7. Chân tỉ lượng (Phạm: Anumàna): Sự hiểu biết đúng đắn về tỉ lượng. Tỉ lượng là sự hiểu biết bằng suy xét, so đo, tức là tầng trên của Hiện lượng. Hiện lượng chỉ mới là cảm nhận thấy, nghe, như thấy mây nói là mây, thấy khói biết là khói; còn Tỉ lượng là tác dụng phân biệt của tri thức, khói ấy do đâu mà có, mây ấy rồi sẽ ra sao v.v…. Nói cách khác, đó là sự so sánh cái này, cái kia, rồi suy ra một cái lí, một sự thực, một lời giải. Ví như thấy mây đen nổi lên thì biết sẽ có mưa. Đó là Chân tỉ lượng, nghĩa là Tỉ lượng chính xác. 8. Tự tỉ lượng (Phạm: Anumànàbhàsa): Sự hiểu biết sai lầm về tỉ lượng. Trong trường hợp phân biệt và suy đoán sai lầm thì gọi là Tự tỉ lượng. Chẳng hạn, từ xa thấy sương mù cho là khói, rồi bảo rằng ở đó có lửa. Đó là Tự tỉ lượng, nghĩa là tựa hồ như đúng, nhưng kì thực là sai. Trong 8 nghĩa môn trên, Chân năng lập, Chân năng phá, Chân hiện lượng, Chân tỉ lượng, được gọi là Tứ chân; còn Tự năng lập, Tự năng phá, Tự hiện lượng, Tự tỉ lượng thì gọi là Tứ tự. Mục đích của Nhân minh là khơi mở chính trí, lĩnh ngộ chân lí. Tứ tự tuy không thể làm phát sinh chân trí, nhưng Tự năng lập và Tự năng phá là muốn nhằm vào cái sở lập hoặc sở phá để làm cho người khác hiểu(ngộ tha); còn Tự hiện lượng và Tự tỉ lượng thì cũng muốn làm cho chính mình nhận thức được chân lí. Nếu đứng về phương diện công dụng mà nhận xét, thì Tứ tự khác với Tứ chân; nhưng, nếu đứng trên quan điểm mục đích mà nói, thì Tứ tự và Tứ chân giống nhau, bởi thế, Nhân minh vẫn xếp Tứ tự vào 2 môn Ngộ tha và Tự ngộ. [X. Nhân minh nhập chính lí luận sớ Q.thượng, phần đầu; Nhân minh nhập chính lí luận nghĩa toản yếu; Nhân minh nhập chính lí luận sớ tiền kí Q.thượng, phần đầu; Nhân minh luận sớ thụy nguyên kí Q.1; Nhân minh nhập chính lí luận ngộ tha môn thiển thích (Trần đại tề); Đông phương luận lí học (Nhất hạnh)]. (xt. Bát Môn Lưỡng Ích, Nhân Minh).