Nhân Lễ Vu Lan, Nghĩ Về Mẹ
Vu Gia

 

Nói cho cùng, có người mẹ nào lại không thương con. Loài thú khi sinh con, nuôi con là lúc nó hung dữ nhất, sẵn sàng chiến đấu một mất một còn với đối thủ mạnh hơn, dữ hơn nhiều lần nhằm bảo vệ con, huống chi là con người. Xin hãy nghiệm lấy để tự hào chúng ta còn mẹ, hoặc đã có một người mẹ như thế.

Ngày rằm tháng bảy hằng năm là ngày Xá tội vong nhân. Theo quan niệm dân gian, đây là ngày mà mọi tù nhân ở địa ngục có cơ hội được xá tội, được thoát sanh về cảnh giới an lành, nên có lễ cúng Cô hồn – những vong linh không có nơi nương tựa, không có thân nhân thờ cúng. Do đó, ngày này trên mọi miền đất nước, chúng ta đều thấy sự cúng bái với tất cả lòng thành. Đại thi hào Nguyễn Du cũng không cầm được nước mắt: Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt/ Toát hơi may lạnh buốt xương khô/ Não người thay buổi chiều thu/ Ngàn lau nhuốm bạc lá ngô rụng vàng…/ Đường bạch dương bóng chiều man mác/ Dịp đường lê lác đác sương sa/ Lòng nào lòng chẳng thiết tha/ Cõi dương còn thế nữa là cõi âm… Đối tín đồ Phật giáo, ngày rằm tháng bảy là ngày lễ Vu lan, còn gọi là lễ Báo hiếu. Vì thế, đối với phần lớn người dân Việt Nam từ xưa đến nay ngày rằm tháng bảy trở thành một trong những ngày lễ lớn trong năm.

        Nói về người mẹ

Là Phật tử Việt Nam, hầu hết đều biết ngày rằm tháng bảy là ngày báo hiếu cha mẹ và đã trở thành truyền thống của Phật giáo. Xuất phát từ Kinh Vu lan. Kinh này nói về vị đệ tử ưu tú của Phật là Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Vì thế, Vu lan là ngày lễ hằng năm của đồng bào Phật tử tưởng nhớ công ơn cha mẹ (và tổ tiên nói chung) – cha mẹ của kiếp này và của kiếp trước. Phương pháp báo hiếu, Kinh Vu lan đã chỉ rõ rằng chủ yếu dựa vào năng lực tâm linh thanh tịnh của chư tăng trong ngày tự tứ, năng lực ấy tác động vào tâm thức người cha, người mẹ đang đau khổ. Qua ảnh hưởng của năng lực đạo đức ấy mà cha mẹ hiện tại hay quá khứ được siêu thoát và hạnh phúc. Ở bài viết này, tôi muốn nói về người mẹ, vì ở đâu ra sao tôi chưa tường nhưng đối với dân tộc Việt Nam thì người mẹ trong đời sống tâm linh cũng như trong đời sống thường nhật ở cõi Ta bà này chiếm một vai trò rất quan trọng. Người Việt Nam gọi Tổ quốc là Mẹ: Đất mẹ, quê mẹ. Người Việt Nam nói đến mẹ là nói đến sự trìu mến, tận tụy, đùm bọc, kể cả hi sinh bản thân mình để cho con được yên vui, sung sướng; nói đến mẹ là nói đến sự yêu thương vô bờ bến… Ngày ta mới chào đời, thì “Bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn”, đến khi biết ăn vỡ lòng, thì mẹ “Miệng nhai cơm búng, lưỡi lừa cá xương”, ấy vậy mà ở đời không thiếu người coi thường mẹ, xem mẹ như vật cản trên đường “tiến thân” của mình, là gánh nặng cuộc đời. Và đã có người đẩy mẹ ra đường sống nhờ lòng thương của bá tánh thập phương. Tu đâu cho bằng tu nhà/ Thờ cha kính mẹ mới là chân tu. Từ ngàn xưa, ông bà ta đã dạy như thế, song dường như ai cũng không nhớ mà cất công đi hết đền này, phủ nọ, chùa kia cầu cúng với một tấm lòng mộ đạo (hãy tin như thế).

Lòng mẹ bao la…

Bây giờ, hầu hết nhân dân Việt Nam đều biết đọc. Sách vở in ra kìn kìn, nhưng văn hóa đọc lại xuống dốc không phanh. Cha mẹ lo làm ăn để khỏi thua sút bạn bè, việc giáo dục con cái phần lớn đều khoán trắng cho nhà trường, mà nhà trường thì chỉ lo năm này lên lớp bao nhiêu phần trăm, tỷ lệ tốt nghiệp các cấp cao bao nhiêu để báo cáo thành tích nhằm kiếm bằng khen các cấp, huân chương các loại… Nhưng chúng ta không nên trách nhà trường, bởi thời gian trong ngày, con cái ở với gia đình nhiều hơn. Vậy thì trong gia đình, ai dạy con? Không biết! Dạy con điều gì? Không biết! Giáo dục con theo mô hình nào? Không rõ! Tìm vợ cho mình, hay tìm mẹ cho con? Tùy duyên!…

Thời nhỏ của tôi sống ở thôn quê, và người dân quê cách nay hơn nửa thế kỷ về trước không mấy người biết chữ, vậy mà nghĩ lại, tôi thấy việc dạy con của họ đều thông qua ca dao, tục ngữ khá hay. Và người mẹ luôn đóng vai trò quyết định. Mẹ còn chẳng biết là may/ Mẹ mất mới tiếc những ngày làm con, hay Mẹ già ở túp lều tranh/ Sớm thăm tối viếng mới đành dạ con… Trai nghe cũng được, gái nghe cũng được. Những câu vần vè dễ nhớ ấy cứ ghi vào trong trí não, rồi theo ngày tháng nghiệm ra. Những người mà để Mẹ già ở túp lều tranh/ Đói no chẳng biết, rách lành chẳng hay, thì bị cộng đồng coi khinh. Mẹ anh lội bụi lội bờ/ Sao anh áo lụa quần tơ ngày ngày/ Mẹ anh bụng đói thân gầy/ Sao anh vui thú mâm đầy cỗ cao/ Mẹ anh như tép lao xao/ Sao anh lấp lánh như sao trên trời/ Mẹ anh quần quật một đời/ Sao anh ngoảnh mặt anh cười cợt hoa… Thời nào cũng có những chàng trai như thế; ngày nay dường như có nhiều hơn. Nhưng những ngày này, có cô gái nào coi thường những chàng trai như thế không? Nếu có cũng rất hiếm, bởi bản thân họ cũng thế thôi.

Với tư cách một người làm cha, tôi xin nhắc lại câu ca dao được thuộc lòng từ thuở lên mười với lớp trẻ đẳng tuổi con tôi: Nếu mình hiếu với mẹ cha/ Thì con cũng hiếu với ta khác gì/ Nếu mình ăn ở vô nghì/ Đừng mong con hiếu làm gì hoài công. Nhân quả là như thế đấy. Không phải vô tình mà dân gian có câu: Cha đưa mẹ đón. Câu này áp dụng cho những đám tang. Khi di quan cha, thì con cái đi sau quan tài; còn khi di quan mẹ, thì con cái đi thụt lùi trước quan tài như muốn cản mẹ lại, không cho mẹ đi, vì lòng mẹ lúc nào cũng bao dung, không nghiêm khắc như người cha. Mẹ đánh một trăm, không bằng cha hăm một tiếng là vậy. Ngay cả cây gậy chống trong đám tang cũng thế. Cha mất, thì con trai lớn chống cây gậy tre (tròn), còn mẹ mất, thì con trai lớn chống cây gậy vông (vót vuông). Chuyện vuông – tròn là âm – dương, cũng như cây tre tượng trưng cho người quân tử, nên dành cho người cha thì không khó giải thích, nhưng tại sao đám tang mẹ, con phải chống cây gậy vông?

Trong quá trình đi điền dã viết địa chí cho các địa phương, tôi hỏi nhiều người, không ai trả lời được. Một lần đọc tư liệu để viết cuốn sách về Nguyễn Công Trứ, tôi có đọc được bài thơ bát cú Vịnh cây vông của ông, trong đó có hai câu: Tuổi tác càng già, già xốp xáp, Ruột gan không có, có gai chông. Từ đó, tôi hiểu thêm về lòng mẹ, về cây gậy vông, về việc cha đưa mẹ đón… Đúng là:

“Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình”.

Hãy đọc qua một lần 10 điều Phật dạy

Trong kinh sách các tôn giáo hiện đang tồn tại trên thế giới này, không có kinh sách nào dạy con người chửi cha mắng mẹ. Đối với đạo Phật, thì các kinh điển Phật giáo Nam Tông cũng như Phật giáo Bắc Tông đều đề cao công ơn cha mẹ. Đọc Kinh Tăng chi, tôi thấy Phật dạy: “Có hai hạng người, này các Tỳ kheo, ta nói không thể trả ơn được đó là mẹ và cha”. Lời dạy này có phần trùng khớp Kinh Thi Việt Nam: “Công cha nghĩa mẹ cao vời/ Nhọc nhằn chẳng quản suốt đời vì ta/ Nên người ta phải xót xa/ Đáp đền nghĩa nặng như là trời cao”, hoặc Kinh Đại tập có viết: “Ở thời không có Phật, thờ kính cha mẹ tức thờ kính Phật”, trùng khớp với câu ca dao: “Tu đâu cho bằng tu nhà/ Thờ cha kính mẹ mới là chân tu”. Có khi do ảnh hưởng đạo Phật hàng ngàn năm qua, nhưng cũng có khi văn hóa Phật giáo hòa quyện với văn hóa bản địa làm cho kho tàng ca dao của dân tộc phong phú thêm.

Cuối cùng, tôi muốn nói thêm về 10 điều Phật dạy trong Kinh Báo ân cha mẹ. Đọc những lời Đức Phật dạy trong kinh này, lòng tôi cứ rưng rưng và thấy sao mà ý nghĩa quá, gần gũi quá, và mong sao những người còn mẹ hoặc mất mẹ cũng được đọc qua một lần để được nghĩ về mẹ, nhớ về mẹ và có thể lấy đó làm “pháp môn” để dạy dỗ cho cháu mình nhằm góp phần làm cho nhà nhà yên vui hơn, xã hội được tốt đẹp hơn…

Một là thai mang giữ gìn. Vì nghiệp lực nên chúng sinh thác thai mẹ. Mẹ lâu ngày khổ sở, chín tháng cưu mang, nặng nhọc như đội đá, đi đứng ngại gió mưa, quần áo không sửa soạn, trang điểm còn kể chi.

Hai là sinh sản khổ sở. Đến tháng thứ mười, gần ngày sản nạn, thì đêm đêm như bịnh nặng, ngày ngày tợ hoàng hôn. Khiếp hãi lo nghĩ, lệ sầu tuôn rơi, chỉ sợ tử thần không dung tánh mạng.

 Ba là sinh rồi quên lo. Trong khi sinh đẻ, gan ruột từ mẫu tuồng như xé rách, đau đớn mê man, máu huyết dầm dề. Nhưng nghe con an toàn thì vui mừng quên hết. Song vui đó lại buồn đó, lo nghĩ xiết ruột gan.

Bốn là nuốt đắng nhổ ngọt. Tình thương cha mẹ thật sâu nặng, thương mến có bao giờ lạt phai. Nhổ ngọt không tiếc nuối, nuốt đắng nào phiền hà. Thương mến càng sâu đậm, bi sầu càng tăng thêm. Miễn sao con no ấm, đói khát mẹ nào từ.

Năm là nhường khô nằm ướt. Mẹ nằm chỗ ướt át, nâng con chỗ ấm khô. Đôi vú no đói khát, hai tay che gió sương. Yêu thương quên ngủ nghỉ, sủng ái hết giá lạnh. Chỉ mong con yên ổn, mẹ hiền không cầu an.

 Sáu là bú mớm nuôi nấng. Mẹ hiền ơn hơn đất, cha nghiêm đức quá trời. Che chở ơn cao dày, cha mẹ nào tính toán. Không hiềm không mắt mũi, không ghét què chân tay. Con sinh ra từ bụng mẹ, còn đổi dạ thương ai.

Bảy là tắm rửa săn sóc. Không nghĩ thân phận mình, chỉ lo con bệnh tật, cho nên hết lòng tắm rửa săn sóc. Áo quần lo cho con, rách rưới mẹ cam chịu. Thân con được ấm áp là lòng mẹ ấm áp.

Tám là xa cách thương nhớ. Chết mà từ biệt, đã đành khó nhẫn; sống mà biệt ly, lại càng thương nhớ. Con đi đường xa cách, lòng mẹ bóng theo hình. Ngày đêm không thư dạ, sớm tối nào tạm quên. Khóc như khóc vượn nhớ con, thương nhớ nát can trường.

Chín là vì con làm ác. Lao khổ đủ muôn bề, bữa ăn rất khó kiếm. Vì muốn con no ấm, việc ác mẹ khó từ. Nuôi khôn lớn, lo gầy dựng. Lo cơm áo, sợ cơ hàn. Kho nấu bao sinh vật, cũng vì ngon miệng con.

  Mười là thương mến trọn đời. Ân đức của cha mẹ cao sâu hơn trời đất. Hi sinh hết tất cả, vẫn thấy chưa vừa lòng. Mẹ già hơn trăm tuổi còn thương con tám mươi. Tình thương có ngừng chăng, chỉ hơi thở cuối cùng”.

Đây là lời Phật dạy cho ngài Anan cách nay hơn hai ngàn năm, nhưng với tôi cứ như vừa mới đây, và những lời dạy ấy sao cứ như nói về những bà mẹ Việt Nam của ta. Mà nghĩ cho cùng, có người mẹ nào lại không thương con. Loài thú khi sinh con, nuôi con là lúc nó hung dữ nhất, sẵn sàng chiến đấu một mất một còn với đối thủ mạnh hơn, dữ hơn nhiều lần nhằm bảo vệ con, huống chi là con người. Xin hãy nghiệm lấy để tự hào chúng ta còn mẹ, hoặc đã có một người mẹ như thế./.