nhân duyên y

Phật Quang Đại Từ Điển

(因緣依) Cũng gọi Chủng tử y, Căn bản y. Chủng tử làm nhân duyên cho tất cả các pháp nương vào đó mà sinh khởi, 1 trong 3 chỗ nương của tâm, tâm sở. Hết thảy các pháp hữu vi đều nương nơi chủng tử của chính mình mà sinh khởi, nếu lìa nhân duyên chủng tử thì quyết không thể sinh, vì thế tất cả chủng tử là nhân của các pháp, đồng thời cũng là pháp sở y để các pháp nương vào đấy mà sinh, đó tức là Nhân duyên y. Chủng tử y được đề cập trong luận Du già sư địa chỉ giới hạn ở phương diện chủng tử sinh khởi hiện hành mà thôi, chứ không giải thích rõ nghĩa khi chủng tử sinh chủng tử và hiện hành huân chủng tử thì làm nhân duyên lẫn cho nhau. Bởi vậy, luận Duy thức mới nói rộng về nghĩa Nhân duyên y để thay thế cho thuyết Chủng tử y. Thành duy thức luận thuật kí quyển 4, phần cuối (Đại 43, 379 thượng) ghi: Nếu nói chủng tử y thì chỉ là pháp hiện hành có chủng tử, chủng tử trông chủng tử thì đáng lẽ không có chủng tử y này. Nay nói Nhân duyên y là cốt để hiểu theo nghĩa rộng. Tóm lại, nếu nói theo nghĩa hẹp thì Nhân duyên y đồng nghĩa với Chủng tử y, tức là chỉ nói về chủng tử của các pháp mà thôi. Còn nếu giải thích theo nghĩa rộng thì pháp hiện hành huân sinh chủng tử và chủng tử của niệm trước dẫn sinh ra chủng tử của niệm sau… đều là Nhân duyên y. [X. luận Du già sư địa Q.1, 55; luận Thành duy thức Q.4]. (xt. Sở Y).