NHÂN DUYÊN KHÓ LƯỜNG
Hạnh Đoan
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Mấy ngày nay thân phụ tôi nằm thiêm thiếp trên giường bịnh. Chị Thủy đã cất công đi thỉnh quý Đại lão Hòa thượng ở vùng lân cận đến khai thị và làm lễ cầu nguyện cho ba tôi.

Khi các ngài đến, chúng tôi rước vào gian phòng thờ Phật nhỏ nơi ba tôi nằm. Một Hòa thượng tiến lại gần, hỏi han… chị Thủy muốn ba tôi tự xưng pháp danh của mình nên thúc:

– Tía ơi, có Hòa thượng đến làm lễ cho tía nè! Tía pháp danh là gì? Nói đi!

Ba tôi bật ra một cái tên lạ hoắc:

– Tâm Đạt!

Tôi chưa nghe tên này bao giờ, ba tôi tuổi già mắt ngày càng mờ không nhìn rõ gì, hơn nữa ông đang nằm nhắm mắt. Đoán là ông đang mê man nên quên bẵng luôn tên của mình. Chị Thủy nhắc ông:

– Không phải! Tía hãy xưng đúng pháp danh của mình kìa!

Ba tôi lặp lại một lần nữa:

– Tâm Đạt!

Sao ba tôi không xưng tên Kiến Châu? Cái tên đã được sư phụ tôi đặt cho vào ngày ông xuất gia?

Chị Thủy như sực nhớ, giải thích với vị Hòa thượng đang đứng cạnh bên giường bịnh:

– Bạch Hòa thượng, Tâm Đạt là pháp danh hồi trẻ của ba con, lúc người quy y với thầy Trí Minh ở Biên Hòa, cách nay mấy mươi năm rồi ạ!

(Đấy là chuyện cách đây gần năm mươi năm, hồi ấy, ba tôi độ 37-38. Thầy Trí Minh lúc đó còn rất trẻ, chưa đầy ba mươi. Thầy được bổ về làm trụ trì chùa Phật Học ở Biên Hòa. Thầy là một vị Tăng rất tài hoa, sành mỹ thuật, giỏi chữ Hán, lại có khiếu tạc tượng vẽ hình và khéo hóa độ chúng, nên được Phật tử kính mộ cực kỳ, tìm đến quy y rất đông, không riêng gì các Tướng, Tá khắp vùng Biên Hòa đến quy y, mà cả đám dân nghèo làng Hóa An cùng các thôn phụ cận cũng đều xin quy y thầy. Đặc biệt gia đình tôi nghèo nhất trong đó, phải nói là nghèo mạt rệp.

Dù nghèo, nhưng đạo tâm không thiếu, mẹ tôi vóc liễu hình mai, gầy đến nổi tưởng như gió thổi cũng bay. Nhà tôi ở tít bên kia sông Đồng Nai, cách chùa Phật Học xa lắm. Nếu mẹ tôi băng qua sông, chịu đi đò, thì đường đến chùa sẽ bớt thăm thẳm hơn, song bà không chịu vậy, vì không đi đò nên mẹ tôi phải đánh đường vòng xa gấp đôi – phải lội bộ từ Hóa An lên chợ Đồn, băng qua hai cây cầu Gành sang Cù Lao rồi từ đó đi bộ mải miết tới chùa – Kết quả là, đi chùa về lần nào mẹ tôi cũng xỉu, bởi bà có bịnh đau tim nặng, do thể chất yếu mà phải lội bộ quá xa. Lý do khiến mẹ tôi tiết kiệm tối đa là, ngoài việc lo cho chúng tôi, bà còn muốn nhín ra ít tiền để ủng hộ chúng Tăng tu học.

Thầy Trí Minh rất được Phật tử thương quý vì tấm lòng nhân hậu từ ái. Nhất là đối với những Phật tử nghèo, thầy đặc biêt quan tâm. Khi các tướng lãnh đến viếng chùa, thầy có thể để mặc họ ngồi đấy, song đối với hàng Phật tử nghèo đến chùa, thầy luôn đón tiếp niềm nở, tử tế, ân cần…

Hồi ấy tôi chỉ mới lên hai, tất nhiên không biết gì, mọi chuyện đều nghe phụ thân và các chị kể lại. Ba mẹ tôi tuy nghèo nhưng cực kỳ mộ đạo. Mẹ tôi vừa thông minh lại rất có duyên ăn nói, nhờ vậy mà bà thuyết phục được dân làng đi chùa rất đông. Thời thầy Trí Minh còn trụ trì, người đến chùa tụng kinh đứng chật kín sân, pháp hội hưng thịnh một thời… Chủ nhật nào thầy cũng hướng dẫn Tăng chúng và Phật tử ra khai phá Đại Tùng Lâm… Hồi ấy tôi còn bồng trên tay, ba mẹ tôi nhiệt tình theo chân thầy ra làm công quả, tôi còn bé nên chị Thủy phải đi theo bồng tôi, cho mẹ rảnh tay làm việc. Các công tác vỡ rừng, khai hoang bao giờ cũng vất vả gian lao, nhất là ở vào thời kỳ đầu…

Sau sự kiện tranh đấu năm 1963, thầy Trí Minh bặt tăm, bặt tích. Một vị thầy trụ trì mới được bổ về chùa Phật Học kế nhiệm, vị trụ trì mới này cũng anh tuấn, giỏi võ và trẻ như thầy Trí Minh.

Song Phật tử vẫn thương nhớ vị trụ trì cũ không nguôi, vì đức độ cảm hóa đầy trí tuệ và bi mẫn của thầy… Họ thưa đến chùa dần, còn mẹ tôi lúc đó cứ chạy ngược chạy xuôi, mắt nhòa lệ, bà cầm di ảnh của thầy Trí Minh, nghẹn ngào than:

– Thầy bổn sư mình mất rồi, thôi thì đem hình thầy về thờ vậy!

Rồi biến động xảy ra, cuối năm 1963 mẹ tôi mất, hình vị thầy bổn sư bà yêu kính cũng thất lạc. Hai chị đầu của tôi biết rõ pháp danh ba tôi, song các chị còn bé quá nên cũng không nhớ được mặt vị thầy cũ.

Giờ đây, ba tôi đã ở cái tuổi 88, không biết ông nghĩ gì mà xưng pháp danh Tâm Đạt? Chẳng lẽ khi tuổi già bóng xế, trong cơn mê, tiềm thức ông bỗng quay về với hồi ức xa xưa? Ông tuyệt không nhận ra vị Hòa thượng nào đang đến chú nguyện cho mình, vẫn cứ nhắm nghiền mắt, miệng mấp máy xưng mãi tên Tâm Đạt)…

Nghe chị Thủy giải thích, vị Hòa thượng đứng cạnh giường ba tôi xúc động, ngài nói khe khẽ, giọng hơi run:

– Trí Minh là tôi đây!

Chỉ nghe đến đó, các chị tôi tròn xoe mắt nhìn. Chị Hai tôi lắp bắp như không tin vào mắt mình:

– Thầy là thầy Trí Minh? Đúng là thầy rồi! Hèn gì mà con trông thầy rất quen!

Các chị vội đến bàn thờ mẹ tôi, cầm di ảnh của bà ra cho thầy nhìn. Nước mắt thầy trào ra, thầy nói:

– Đúng là mẹ con! Mẹ con là người mẹ rất… tốt! Cả đời chỉ biết hy sinh cho con, bà lo cho tụi con không thiếu gì, thầy còn nhớ rõ dáng mẹ con, bà rất mộ đạo, thành kính… lúc nào cũng bận bịu tất bật tới tóc không bao giờ chải…

Kể đến đây thầy nghẹn đi! Thầy cố trấn tĩnh làm lễ… Nghe thầy tụng niệm, chị Hai tôi xuýt xoa:

– Trời ơi, thầy già rồi mà tụng kinh vẫn hay như hồi nào! Giọng thầy thanh thoát làm sao!

Vị thầy bổn sư tài hoa, anh tuấn, trẻ trung của ba mẹ tôi ngày xưa giờ cũng đang ở tuổi cổ lai hy. Ngài không cho chúng tôi gọi là Hòa thượng mà bảo chúng tôi hãy cứ gọi thầy như xưa.

Tôi nói:

– Nếu mẹ con biết thầy chưa mất và đang gặp lại chúng con nhờ buổi xưng danh của ba con, chắc hẳn bà sẽ mừng lắm! Vậy xin phép thầy cho con thay mẹ con… đảnh lễ thầy.

Thầy mỉm cười thật hiền, ngăn tôi lại, bảo:

– Tấm lòng là đủ rồi!

Đến bây giờ thầy vẫn là vị sư lang thang, không chịu trụ trì cố định một trú xứ nào, cứ tùy duyên mà đến và đi. Thầy mỉm cười bảo:

– Lâu nay thầy lang thang không ai biết, vậy mà giờ bị tụi con khám phá ra…

– Khi ba tôi tỉnh và nghe kể lại, ông rất sung sướng, trang trọng dặn dò chúng tôi:

– Khi ba mất rồi các con hãy xem thầy như ba!

– Chị tôi nghẹn ngào nói:

– Cuộc đời sắp mang đi của con một người cha, và đang tặng lại cho chúng con một người cha! Đúng là nhân duyên khó lường!

Quả thật nhân duyên khó lường, bây giờ vị thầy bổn sư mà ba tôi hằng yêu kính thuở xưa đang vì ba tôi tụng niệm, nhất nhất lo hậu sự cho ông… từ khâm liệm cho đến hỏa táng…, kể cả việc thay thế chức danh từ phụ mà ba tôi trân trọng phú thác…

Tôi chỉ có thể nói như các chị tôi: “Xin cảm ơn cuộc đời đã mang thầy đến cho chúng con, vào lúc nóc nhà của chúng con sắp sửa không còn, thì… may thay! Bỗng có một mái che khác tiếp tục tỏa bóng mát xuống chúng con… Chúng con xin cảm ơn thầy và tấm lòng của ba con. Những bậc từ phụ khả kính!”…

Hạnh Đoan – 15/07/2008