nhẫn ba la mật bồ tát

Phật Quang Đại Từ Điển

(忍波羅蜜菩薩) Nhẫn ba la mật, Phạm: Àrya-Ksànti- Pàramità. Cũng gọi Nhẫn nhục ba la mật bồ tát. Hán âm: A lị dã khất xoa để ba la mật đa. Vị Bồ tát ngồi ở vị trí thứ 3 phía trái ở giữa viện Hư không tạng trong Mạn đồ la Thai tạng giới của Mật giáo. Một trong 10 vị bồ tát Ba la mật, mật hiệu là Đế sát kim cương(có thuyết nói Đế lợi kim cương). Về hình tượng, vị tôn này thân màu da người, ngồi trên hoa sen đỏ, mặc áo yết ma, ngón giữa, ngón vô danh và ngón út của tay phải hơi co lại, bàn tay dựng thẳng, lòng bàn tay hướng vào thân, tay trái cầm cái mâm vàng hướng vào tim. Chủng tử là (kwaô) hoặc (vaô); hình Tam muội da là cái mâm vàng, tấm gương. Theo kinh Kim cương đính du già thiên thủ thiên nhãn Quán tự tại bồ tát tu hành nghi quĩ quyển hạ thì ấn tướng của vị Bồ tát này là: Hai tay kết nội phược quyền, 2 ngón trỏ duỗi thẳng và sáp vào nhau, 2 ngón cái dựng đứng. Chân ngôn là: Phạ bà nga phạ để khất sản để đà lí ni hồng phấn tra. Nếu kết ấn này và tụng chân ngôn 3 biến thì diệt được hạt giống của nghiệp tức giận trong vô lượng kiếp, đạt được công đức của 3 nhẫn: Hại oán nại nhẫn (chịu đựng được sự oán hại), An thụ khổ nhẫn (chịu những nỗi khổ mà vẫn vui) và Đế sát pháp nhẫn (quán xét kĩ các pháp); dung mạo nghiêm trang, xinh đẹp, ai cũng muốn nhìn, không ai ghen ghét, mọi người đều thích gần gũi, tròn đầy hạnh nhẫn nhục ba la mật. [X. phẩm Xuất thế giải thoát trong kinh Bất không quyên sách thần biến chân ngôn Q.15; Thánh hạ dã hột lí phạ đại uy nộ vương lập thành đại thần nghiệm cúng dường niệm tụng nghi quĩ pháp phẩm Q.hạ; Huyền pháp tự nghi quĩ Q.hạ; Thanh long tự nghi quĩ Q.trung; Thai tạng giới thất tập Q.trung].