nguyệt luân

Phật Quang Đại Từ Điển

(月輪) I. Nguyệt Luân. Bánh xe mặt trăng, tên khác của mặt trăng, vì mặt trăng tròn như bánh xe nên gọi là Nguyệt luân. Cứ theo luận Câu xá quyển 11, thì đường kính Nguyệt luân dài 50 do tuần, phía dưới của Nguyệt luân là bảo thủy châu Pha chi ca có thể lạnh cũng có thể chiếu sáng. Trong Nguyệt luân có Nguyệt cung tạo thành bởi pha lê màu bạc và màu xanh, là nơi ở của Nguyệt thiên tử cùng với vợ và thiên chúng. Mật giáo gọi Nguyệt luân là Nguyệt thiên, là 1 trong 12 vị thần trời hộ thế. Lại vì Nguyệt luân chỉ cho mặt trăng tròn nên cũng được dùng để tượng trưng cho trí đức viên mãn, tâm Phật, tâm bồ đề… [X. kinh Trường a hàm Q.22; kinh khởi thế Q.10; luận Bồ đề tâm]. II. Nguyệt Luân (?- ?). Thiền sư Trung quốc thuộc tông Lâm tếsống vào đời Thanh, người Mã long, tỉnh Vân nam, họ Dịch. Sư xuất gia và thụ giới Cụ túc năm 18 tuổi, tham học Thiền sư Chân viên Nguyệt đàm, hơn 1 năm sau sư được ấn khả. Sau đó, sư lại đi tham vấn các bậc tôn túc khắpmiền Nam, Bắc. Sư ở Yên kinh (Bắc bình) 26 năm, rất đông người từ khắp nơi đến tham học, danh tiếng của sư được lan truyền đến triều đình. Vua rất quí trọng và 2 lần ban cho sư áo đỏ và Đại tạng kinh. Cuối đời, sư trở về tỉnh Vân nam, trụ trì 2 ngôi chùa nổi tiếng là Hoa đình và Hoa nghiêm, chấn hưng tông phong, có ngữ lục lưu hành ở đời. [X. Tăng đính Phật tổ đạo ảnh Q.2 (Hư vân)].