nguyên tử luận

Phật Quang Đại Từ Điển

(原子論) Học thuyết chủ trương tất cả các vật tồn tại đều do nguyên tử tổ hợp mà thành. Nguyên tử(atom)tương đương với chữ Aịu trong tiếng Phạm, nghĩa là nhỏ như hạt bụi (vi trần). Phân tử cực nhỏ không thể phân chia được gọi là Cực vi (Phạm:Paramàịu). Lấy phần cực vi làm trung tâm hợp với 6 phân tử cực vi của 6 phương làm 1 đơn vị, gọi là Vi trần. Nguyên tử luận cho rằng: Hết thảy mọi hiện tượng trong thế giới đều do sự quan hệ và vận động một cách ngẫu nhiên, máy móc của những hạt nguyên tử mà phát sinh. Học thuyết này đối lập với Mục đích luận, nhưng phù hợp với Duy vật luận. Ở Ấn độ, đầu tiên có Kì na giáo, kế đến là phái Thắng luận, đều lấy thuyết Nguyên tử làm giáo nghĩa cơ bản và cố sức xây dựng luận chứng về Nguyên tử luận. Trong Phật giáo, Hữu bộ và Kinh lượng bộ của Tiểu thừa đều dùng tư tưởng Nguyên tử luận để cải cách Phật giáo. Nhưng phái Trung quán thì đứng trên lập trường cơ bản là các pháp vốn không có thực thể tồn tại một cách cố định, rồi phái Du già Duy thức thì theo quan điểm ngoài tâm không có vật gì tổn tại để cùng phê phán kịch liệt tư tưởng của Hữu bộ và Kinh lượng bộ.