nguyên thuỷ phật giáo

Phật Quang Đại Từ Điển

(原始佛教) Cũng gọi Tảo kì Phật giáo, Sơ kì Phật giáo.Chỉ cho nền Phật giáo ở thời kì đầu đốilại với Phật giáo Đại thừa được phát triển sau này.Từ khi đức Phật thành đạo, Ngài bắt đầu sáng lập giáo đoàn hoằng dương giáo pháp, cho đến khoảng 100 năm (hoặc 200 năm) sau khi đức Phật nhập diệt, thời kì này giáo pháp chỉ là 1 vị, giáo đoàn thì thống nhất, chưa có sự phân chia thành các bộ phái. Trong thời kì này các vị tỉ khưu giữ giới rất nghiêm cẩn, lấy việc khất thực để tự nuôi sống; khu vực truyền bá giáo pháp chủ yếu là vùng trung châu sông Hằng ở Ấn độ. Kinh điển trong thời kì này bao hàm hình thái nguyên thủy nhất của giáo pháp đức Phật, là nền tảng của giáo lí Tiểu thừa và Đại thừa về sau này. Tóm lại, nền Phật giáo trong khoảng 1 hoặc 2 trăm năm sau đức Phật nhập diệt như vừa nói ở trên, được gọi là Nguyên thủy Phật giáo. Vào cuối thế kỉ XIX, các học giả phương Tây bắt đầu nghiên cứu Phật giáo nguyên thủy qua các kinh điển bằng tiếng Tích lan vàPàli, lấy Phật giáo phương Nam làm chính. Việc nghiên cứu này dần dần thịnh hành ở các nước Anh, Đức, Pháp… sau mới truyền đến Nhật bản và Trung quốc. Trước đó, các học giả Trung quốc và Nhật bản đã không biết có sự tồn tại của Thánh điểnPàli, mà cũng chưa hiểu rằng Thánh điển ấy giống với kinh A hàm, là kinh Phật Hán dịch xưa nay vẫn quen gọi là kinh Tiểu thừa. Bởi thế, từ khi Đại sư Trí khải đời Tùy lập phán giáo Ngũ thời bát giáo, phán thích kinh A hàm là giáo nghĩa nông cạn nhất trong Tam tạng giáo đến nay thì giá trị của kinh A hàm đã bị các học giả và các nhà tông giáo xem thường. Nhưng về tên gọi và thời đại của Phật giáo nguyên thủy trong giới học giả có nhiều ý kiến khác nhau. Trước hết, học giả Phật giáo người Anh là ông Đại vệ tư (Thomas William Rhys Davids, 1843-1922) soạn cuốn Early Buddhism, sau đó, trong tác phẩm Nguyên Thủy Phật Giáo Tư Tưởng Luận của mình, được xuất bản vào năm Đại chính 13 (1924), nhà học giả Nhật bản là ông Mộc thôn Thái hiền (Kimura Taiken) chính thức dịch từ ngữ Early Buddhism là Nguyên thủy Phật giáo. Tên gọi Nguyên thủy Phật giáo theo tiếng Anh đúng ra phải là Primitive Buddhism, nhưng vì tiếng Primitive ngoài các nghĩa đầu tiên, trước nhất ra, nó còn các nghĩa nguyên thủy, thời kì đầu chưa được khai hóa… dễ bị coi là từ ngữ có hàm ý đánh giá thấp kém, cho nên các học giả phương Tây thường tránh, không dùng mà, thay vào đó, sử dụng từ ngữ Early Buddhism. Một học giả người Nhật bản khác là ông Tỉ kì Chính trị thì cho rằng, nếu từ Early Buddhism là chỉ cho Phật giáo ở thời kì đầu tiên(tức là thời đại đức Phật và các đệ tử của Ngài), thì đáng lẽ phải dịch là Căn Bản Phật Giáo chứ không nên gọi chung là Nguyên Thủy Phật Giáo. Các vị học giả khác như Pháp sư Thích ấn thuận của Trung quốc, các ông Vũ tỉnh Bá thọ, Xích chiểu Trí thiện, Tây nghĩa hùng… của Nhật bản, cũng có quan điểm tương tự và chia ra các thời kì như: Căn bản Phật giáo, Nguyên thủy Phật giáo, Bộ phái Phật giáo… để giải thích, chỉ về mặt thời gian và nội dung thì sự phân chia có hơi khác như sau: 1. Theo Pháp sư Thích ấn thuận và ông Xích chiểu Trí thiện: Sự hoạt động giáo hóa 1 đời của đức Phật trong 49 năm (hoặc 45 năm) là Căn bản Phật giáo, là nguồn gốc của tất cả Phật pháp; sau khi đức Phật nhập diệt đến thời kì bộ phái đối lập là Nguyên thủy Phật giáo; sau khi giáo đoàn chia làm 2 bộ căn bản là Thượng tọa và Đại chúng là thời kì Bộ phái Phật giáo. 2. Theo ông Vũ tỉnh Bá thọ: Thời đại đức Phật và các vị đệ tử được Ngài trực tiếp truyền trao Chính pháp(tức khoảng 30 năm sau khi đức Phật nhập diệt)là Căn bản Phật giáo; từ đó, đến khoảng vua A dục lên ngôi, giáo đoàn phân chia thành Thượng tọa bộ và Đại chúng bộ thì dừng, đó là Nguyên thủy Phật giáo. 3. Theo ông Tây nghĩa hùng: Căn bản Phật giáo là giáo pháp của đức Thế tôn thuộc giai đoạn xưa nhất trong tư liệu của Nguyên thủy Phật giáo, còn thời đại đức Phật, đệ tử và sau khi đức Phật nhập diệt, đến trước khi giáo đoàn chia thành 2 bộ căn bản là Nguyên thủy Phật giáo. Các học giả nói trên tuy chủ trương phân chia thời đại Căn bản Phật giáo và Nguyên thủy Phật giáo khác nhau, nhưng đối với phạm vi tư liệu nghiên cứu thì đều đồng ý lấy Thánh điển được kết tập vào thời đại Nguyên thủy Phật giáo làm chủ yếu, tức là kinh A hàm và Luật tạng Hán dịch và tiếng Pàli. Căn cứ vào văn hiến hiện còn mà nói thì vào thời đại đức Phật, Luật bộ mới chỉ có 1 bộ phận Ba la đề mộc xoa mà thôi, còn 4 A hàm(hoặc 5 A hàm)thuộc Kinh bộ thì chưa được kết tập. Do đó, nói 1 cách chặt chẽ, bởi thiếu những văn hiến Phật giáo căn bản, nếu không dựa vào Thánh điển được kết tập vào thời đại Nguyên thủy Phật giáo mà tìm kiếm thì cũng không thể nào mở ra con đường nghiên cứu căn bản Phật giáo. Vài mươi năm trở lại đây, các học giả Trung quốc, Nhật bản phần nhiều căn cứ vào các tạng kinhPàli, Hán dịch, tiếng Phạm, Tây tạng… để nghiên cứu về Phật giáo căn bản và, đặc biệt là các học giả Nhật bản, đã khá thành công. Còn các học giả phương Tây thì vì thiếu khả năng đọc chữ Hán, nên phần nhiều nghiên cứu qua các kinh điển tiếng Pàli, khiến cho kết luận nghiên cứu đôi khi có chỗ thiên lệch. Nhưng phương pháp nghiên cứu của họ đã căn cứ vào Ngôn ngữ học, hảo cổ học, Tư tưởng sử… rất có tính cách khoa học, khúc chiết, rõ ràng và lại có thái độ phê phán: Đó là những điều mà các học giả phương ông cần noi theo. Bất luận là Căn bản Phật giáo hay Nguyên thủy Phật giáo, giáo pháp trung tâm của đức Phật vẫn chỉ là học thuyết Duyên khởi. Giáo pháp này do chính đức Phật đã căn cứ vào tư tưởng nghiệp luận, giải thoát quan trong Áo nghĩa thư (Phạm: Upaniwad) của Ấn độ và tư tưởng chúng sinh bình đẳng của Kì na giáo, cùng với nhiều năm tu đạo chứng ngộ của bản than đức Phật mà được sáng tạo ra.Học thuyết Duyên khởi gồm có: 1. Ba pháp ấn(hoặc 4 pháp ấn). 2. Mười hai nhân duyên. 3. Bốn chân lí (4 đế). 4. Tám chính đạo. Tất cả giáo pháp của Phật giáo đều lấy thuyết Duyên khởi làm chỗ y cứ, cũng có thể nói thuyết Duyên khởi là đại biểu của Phật pháp, Duyên khởi là từ đồng nghĩa với Pháp. Tại Ấn độ, các tư tưởng triết học tuy đã thịnh hành từ xưa, nhưng trong triết học Ấn độ không có thuyết Duyên khởi, mà các tông giáo hoặc triết học khác trên thế giới cũng không có thuyết Duyên khởi, nó là tư tưởng đặc biệt của riêng Phật giáo và cái đặc trưng cơ bản làm cho Phật giáo khác với các tôn giáo và triết học khác cũng chính là thuyết Duyên khởi này. Kể từ sau khi Phật giáo dần dần phát triển, các tông phái ở bất cứ thời đại nào hoặc ở bất cứ khu vực nào, hễ có 2 chữ Phật giáo đứng đầu thì đều lấy thuyết Duyên khởi làm giáo lí căn bản. Trái lại, nếu thiếu giáo lí căn bản này thì chẳng những đã mất đi cái đặc trưng mà còn vì thế cũng khó có thể gọi được là Phật giáo nữa. [X. Nguyên thủy Phật giáo thánh điển chi tập thành (Ấn thuận); Nguyên thủy Phật giáo (Thủy dã Hoằng nguyên); Nguyên thủy Phật giáo thánh điển chi thành lập sử nghiên cứu (Tiền điền Huệ học); Căn bản Phật giáo (Kim cương Tú hữu)].