PHÁP KHÍ NHÀ PHẬT
Thích Thiện Phước

 

Nguồn Gốc Thắp Đèn Trong Phật Giáo

Đời sống đau khổ, giống như ở trong căn nhà tối, đầy dẫy những hắc ám vô minh, vì thế muốn thoát ly đau khổ thì phải tu nhân tích đức, cũng như dùng ngọn đèn sáng, phá trừ sự tối tăm đau khổ. Đèn là 1 trong 6 phẩm vật dâng cúng dường Đức Phật.

Một điểm đèn tâm sáng tự nhiên
Hà sa rạng chiếu khắp vô biên
Ngàn sông có nước ngàn trăng hiện
Muôn dặm không mây muôn dặm thiên.

Đèn tiêu biểu cho nhẫn nhục, vì nhẫn nhục thì chuyển lửa sân hận làm ánh đại quang minh.

* Duyên khởi sử dụng đèn:

Liên quan đến duyên khởi của việc sử dụng đèn căn cứ theo Quyển 50, Luật Tứ Phần chép: “Đương thời các Tỳ kheo ở trong ngôi nhà tăm tối, Đức Phật mới cho thắp đèn sáng lên, các Tỳ kheo mới bạch Phật, vậy nên để đèn ở đâu. Phật dạy: Nên để ở góc giường, trên miệng bình, nếu như để ở giữa vách thì cần phải ngăn trùng kiến. Nếu như đèn lu mờ sắp tắt thì cần phải kéo tim lên, nếu như sợ dơ tay thì dùng que để kéo, nếu que tre dễ cháy thì cho làm que sắt.

Đèn được chia làm 2 loại:

1/ Chỉ dùng lúc để lễ bái, tụng kinh thì thắp lên.

2/ Là loại trương minh đăng, đèn thắp sáng hoài thì không phân biệt ngày đêm, còn gọi là trương minh đăng, vô tận đăng.

Trong Luật chép: Đức Phật cho sử dụng đèn để thắp sáng Tăng phòng và chỗ an trí đèn, Phật dạy rõ thật ràng, đối với việc sử dụng đèn trong Kinh Phật chỉ rõ phương pháp và trình tự.

Nhân thế mà trong nhà Phật dạy: “Một ngọn đèn trừ được tối 1.000 nhà, một trí huệ hay trừ ngu muôn năm”.

Trong Kinh Phật dạy: “Nếu ở trước tháp Phật, chùa Phật, hình tượng Phật, kinh điển, đốt đèn cúng dường thì được nhiều công đức”.

Trong Kinh Phật qui định: Lúc đốt đèn thì trước hết đốt ở trước tượng Phật, Xá lợi Phật, kế đó mới đốt những ngọn đèn bên cạnh, lúc tọa thiền đốt đèn ở thiền đường thì phải báo cho chư Tăng biết, sau đó mới đốt ở chỗ kinh hành, đường đi trên gác. Nếu như dầu đủ dùng thì đèn ở nhà xí phải thắp suốt đêm không tắt.

* Ý nghĩa đốt đèn:

Nếu như ở trước tháp Phật, tượng Phật, Kinh điển, đốt đèn cúng dường thì được công đức rất lớn. Có rất nhiều Kinh nói về việc nầy.

Trong kinh Thí Đăng Công Đức chép: Tín ngưỡng Phật Pháp Tăng, cúng dường đèn nến, được phước báu vô biên. Sau khi Phật nhập diệt dùng đèn để cúng dường nơi chùa tháp thì hiện đời được ba loại tâm thanh tịnh, khi mệnh chung do thiện tâm nầy không mất, nên được ba loại trí tuệ. Sau khi chết được sanh về cõi trời 33.

Kinh Tăng Nhất A Hàm chép: “Đức Đăng Quang Như Lai vào thuở quá khứ, lúc còn làm Tỳ kheo già, dùng đèn dầu ngày ngày cúng dường Đức Bảo Tạng Như Lai, nhân thế mà được thành Phật, được Đức Phật thọ ký”.

Kinh Hiền Ngu chép: Có người nữ nghèo thành tâm cúng dường một ngọn đèn, do sự thành tâm ấy mà đèn cháy mãi không tắt, còn vua cúng nhiều ngọn nhưng sớm bị tắt hết, cho nên mới nói: “Người nghèo một ngọn đèn, nhà vua một vạn ngọn đèn”. Đây là nói về sự trọng yếu của người thành tâm cúng dường.

Bồ Tát Bổn Hạnh Kinh chép: Xà Na Tạ Lê Vương vì nghe pháp mà để trần thân, khoét thắp 1000 ngọn đèn để cầu đạo quả giác ngộ.

Đức Phật dạy cúng dường đèn được 10 thứ công đức:

Dù sanh ở nơi nào, nhục nhãn cũng không hư.

Được thiên nhãn
Được pháp lành
Trừ sạch tối tăm
Được ánh sáng trí tuệ.

Dù bị trôi lăn trong thế gian nhưng không mê mờ.

Được phước báu lớn
Mạng chung sanh về cõi Trời
Mau được Niết Bàn
Sáng suốt như ngọn đèn soi thế gian.

Ngoài ra nhân vì đèn phá tan tối tăm, ánh sáng tỏa khắp, cho nên Phật giáo thường đem Phật pháp, trí huệ dụ cho đèn. Nhân vì trí huệ phá tan ngu si, cho nên gọi trí huệ là ngọn đèn sáng suốt giữa đêm tăm tối.

Kinh Đại Niết Bàn chép: Vì tăm tối phiền não, cho nên chúng sanh không thấy rõ trí tuệ. Như Lai khéo dùng phương tiện, thắp lên ngọn đèn trí huệ, để khiến cho các Bồ tát thấy Niết Bàn thường lạc ngã tịnh.

Phật giáo đem Pháp mạch của Phật pháp gọi là Pháp đăng;

Thầy truyền Pháp cho học trò gọi là Truyền đăng;

Pháp Phật được truyền thừa một cách liên tục gọi là Tục đăng;

Đèn đèn truyền nhau, nối mãi không dứt, xán lạn ngàn đời thì gọi là Vô tận đăng.

Kinh Tân Hoa Nghiêm, phẩm Nhập Pháp Giới chép: Thiện Tài đốt ngọn đèn chánh pháp, dùng lòng tin làm tim, từ bi làm dầu, tâm niệm là chong đèn, công đức làm ánh sáng, trừ diệt hết ba độc.

Triều nhà Tống cao Tăng Thích Phổ Tế căn cứ vào đèn pháp truyền nhau nên viết ra sách Ngũ Đăng Hội Nguyên.

* Chong đèn:

Chong đèn là một khí vật dùng để đựng dầu thắp đèn, được làm bằng nhiều chất liệu và hình dạng khác nhau như: Vàng, bạc, đồng đỏ, sứ, thủy tinh…

Lại căn cứ vào Quyển 16, Kinh Hoa Nghiêm chép: Có đèn dầu tô, đèn dầu, đèn báu, đèn ma ni, đèn cây sơn, đèn lửa, đèn hương trầm thủy, đèn hương chiên đàn, đèn vua tất cả loài hương. Có 10 loại như thế. Đèn đa phần được để trên đế hoặc trong lồng.

* Lồng đèn – Ống khói đèn :

Lồng đèn: Là một dụng cụ che xung quanh đèn, có tác dụng không làm cho đèn bị gió thổi tắt, lại cũng có tác dụng ngăn muỗi, bươm bướm, côn trùng,… bay vào mà bị chết cháy. Ngoài chất liệu làm bằng đất nung ra, còn có thể dùng : Tơ lụa, giấy, đá,… để chế tạo thành.

Nguồn gốc của lồng đèn, trong Tỳ Nại Da Tạp Sự chép: Ở thành thất La Phiệt, nương theo lời Thế tôn dạy, đêm tối tụng kinh, lúc ấy có con rắn bò đến, vị Tỳ kheo trẻ tuổi thấy bèn hốt hoảng la lên “rắn rắn, con rắn kìa…” Các Tỳ kheo phàm phu đều sợ hãi, bèn khiến cho những người tham dự tụng kinh thiếu mất đoạn này. Hôm sau các Tỳ kheo đem nhơn duyên bạch Phật: Phật dạy nên làm cái lồng để chụp đèn lại, đây là nguyên do của lồng đèn trong Phật giáo.

Thuở ban đầu lồng đèn làm rất đơn giản, theo Tỳ Nại Da Tạp Sự chép: Đức Phật dạy các Tỳ kheo, nên dùng trúc bện làm sườn, lấy lụa bịt xung quanh, hoặc có thể mời một người thợ gốm làm một cái sườn lồng đèn bằng đất nung, bốn bên khoét những lỗ trống.

Lại có thể dùng cái bình bằng đất nung rồi bịt kín đáy, xung quanh khoét những lỗ hỏng, dùng giấy mỏng dán vào xung quanh, để bảo vệ đèn không tắt, và khỏi bị côn trùng bay vào.

Đăng lung (lồng đèn) còn gọi là đăng lâu, đăng lô, đăng lữ,… Sau nầy tùy theo chất liệu chế tạo có thay đổi, nên tên gọi cũng thay đổi như : Thạch đăng lung, thiết đăng lung, đồng đăng lung, cao đăng lung, triết đăng lung, toàn chuyển đăng lung (tẩu mã đăng), mẫu đơn đăng lung, liên hoa đăng lung, long đầu đăng lung, đề đăng lung, câu đăng lung, đới đăng lung, chỉ đăng lung, pha lê đăng lung,… bên trong các loại lồng đèn có họa vẽ hình chim thú, cá, hoa cỏ, trông thật đẹp mắt.

Những nơi như : Phật điện, thiền phòng, giảng đường, nhà khách, hành lang, nhà xí,… lồng đèn thường được bố trí.

Mấy chục năm gần đây, ngành khoa học văn minh phát triển, những loại lồng đèn thời xa xưa, dường như được thay thế bằng điện. Nhớ lại ban đêm nơi phạm sát, ngọn đèn dầu leo lét trông thật đẹp mắt trang nghiêm, nay thì không còn thấy nữa.

Theo Luật Ngũ Phần: “Đức Phật cho lúc Bố tát thuyết giới đốt đèn, nhưng vào đêm mùa hạ đốt đèn rất dễ làm tổn thương côn trùng, cho nên đức Phật bảo phải làm cái lồng để chụp lại, chất liệu có thể làm bằng đất nung, sắt, đồng,… chế thành, nếu cái lồng bị rách hư thì phải dùng giấy, lụa để dán lại, nhằm tránh khỏi côn trùng bay vào mà bị chết cháy”.

* Giá cắm nến (chân đèn):

Tại Ấn Độ và Trung Quốc, đèn dâng cúng Phật Bồ tát là dùng đèn dầu, sau nầy đèn sáp xuất hiện, do đó nhà Phật cũng dùng loại đèn nầy để dâng cúng.

Chúc đài là giá cắm nến, có tác dụng để cho ánh sáng của ngọn đèn khi thắp tỏa sáng ra xa. Nó là một trong ba loại mà trên bàn Phật phải có cho nên còn gọi là tam cụ túc: Lư hương, bình hoa, chân đèn. Chân đèn phối hợp với bình hoa để hai bên lư hương.

Người Ấn Độ khi xưa, vì thành kính nên dâng cúng đèn dầu lên đức Phật rất nhiều. Về sau, đèn nến ra đời thì xuất hiện giá cắm nến, giá cắm nến có thể từ nơi cái đế để đèn dầu mà cách tân thành.

Vì hình dạng chân đèn sáng này có hình tròn, có khi được trang trí hoa văn hay hình tượng hạc đứng trên lưng rùa, có khi hạc ngậm lá sen, ngoài ra còn có nhiều kiểu khác nữa.

Chất liệu của chân đèn, có khi làm bằng gỗ, bằng sắt, bằng đồng, bằng đá. Xưa kia người giàu sang cũng có khi dùng vàng bạc để đúc thành.

Công dụng của chân đèn là dùng để cắm đèn cầy, nâng độ cao của ngọn đèn lên, có thể khiến cho ánh sáng tỏa ra xa, hứng sáp đèn nhiễu xuống không làm dơ bàn thờ đồ cúng, ngăn ngừa  hỏa hoạn …

Nhìn chung đèn trí tuệ vốn do tâm tạo, đường lành dữ đều vào Phật duyên, cậy nhờ bí mật gia trì, bèn khiến quang minh soi thấu. Trong cõi u minh minh khắp hiện bầu trời quang đãng, trước đài hoa thơm hiên ra chơn tướng niết bàn. Phật quang vừa chiếu địa ngục tối lui, thắp lên ngọn đèn trí tuệ cháy mãi không cùng, tiêu trừ nghiệp chướng, ba đường dứt hẳn, mau chứng quả vị bốn hiền. Đó là công đức và ý nghĩa thắp đèn.