PHÁP KHÍ NHÀ PHẬT
Thích Thiện Phước

 

Nguồn Gốc Kiền Chùy Trong Phật Giáo

 Kiền chùy còn gọi là Kiền trĩ. Chữ “Kiền” trong bộ Xuất Yếu Luận Nghi chép: “Trung Hoa dịch là tiếng chuông khánh.”  

Luật Ngũ Phần chép: “Tùy theo có vật dụng như ngói cây đồng sắt, đánh mà có tiếng kêu thì gọi là Kiền chùy.”

Kinh Âm Sớ chép: “Kiền (犍 ) âm là kiền (虔¯), trĩ (稚).  Trung Hoa dịch là tiếng gỗ đánh.”

Trong Luật Ngũ Phần, Tỳ kheo hỏi: “Dùng gỗ gì để làm kiền chùy. Phật dạy: Trừ cây sơn ra, các loại cây khác đánh mà phát ra tiếng đều cho làm.”

Trí Độ Luận chép: “Ngài Ca Diếp ở trên đảnh núi Tu Di đánh kiền chùy bằng đồng” Kinh Lăng Nghiêm chép: “Ăn xong đánh trống, tập chúng thì đánh kiền chùy, đánh trong lúc thuyết pháp.”

Kinh Tăng Nhất A Hàm chép: “A Nan lên giảng đường đánh kiền chùy, đây là Tín Cổ(*) của Như Lai”

Nay trong luật đã nêu rõ là các loại âm thanh như: Chuông, khánh, bảng đá, bảng gỗ, mõ, chày gõ, hễ có tiếng phát ra khi đánh nhằm để tập họp đại chúng, đều gọi là Kiền trĩ. Ngày nay tiếng mõ trong tự viện, bởi vì người xưa không thể dùng gỗ để đánh cho nên mới sáng chế ra hình tướng con cá, lại có đẽo chày hình con cá kình đánh con bồ lao, để cho tiếng kêu lớn.

***

Chú thích:

(*) Tín cỗ: Trong Phật giáo khi bái sám, đánh trống để khởi lên tâm cung kính tín, cho nên gọi là Tín cỗ.