PHÁP KHÍ NHÀ PHẬT
Thích Thiện Phước

 

Nguồn Gốc Chung Bảng Tông Tào Động

Người khai sáng tông này là Thiền sư Lương Giới, đệ tử truyền thừa của Ngài là Thiền sư Bổn Tịch trước sau trụ tại huyện Động Sơn Cao An Giang Tây và Tào Sơn ở huyện Cát Thủy hoằng dương tông phong, nên đời sau mới gọi tông này là Tào Động.

Thiền sư Lương Giới (807 – 889) quê Chữ Kỵ nay thuộc huyện Chữ Kỵ, Chiết Giang, trước thọ giới với Ngũ Trệ Linh Mặc, sau đi khắp nơi tham học, từng tham yết các thiền sư như: Phổ Nguyện, Linh Hựu và Đàm Thạnh. Pháp tự của Lương Giới có Vân Cư Đạo Ưng và Tào Sơn Bổn Tịch chừng 26 người.

Tông Tào Động này đến đời Thiền sư Bổn Tịch thì phát triển mạnh. Bổn Tịch người Bồ Điền Tuyền Châu, năm 19 tuổi xuất gia, Ngài đến tận Cao An bái Lương Giới làm thầy học Phật, Pháp hệ Tào Sơn truyền đến đời thứ tư thì hết, nhưng nhờ pháp mạch của pháp tự của Động Sơn là Vân Cư Đạo Ưng mà được lâu dài.

Đạo Ưng (965 – 902) người Ngọc Điền U Châu. Sau khi xuất gia, có thời gian dài chỉ chuyên nghiên cứu Luật chứ không nghiên cứu Phật học, sau theo Lương Giới học pháp ma thâm nhập huyền chỉ.

Vân Cư Đạo Ưng lại truyền pháp cho Đồng An Đạo Phi, Đồng An Quan Chí, Lương Sơn Duyên Quan và Thái Dương Cảnh Huyền.

Trong năm tông nhà Thiền thì tông Qui Ngưỡng, Vân Môn và Pháp Nhãn từ đời Tống về sau đều thất truyền, chỉ có hai tông Lâm Tế và Tào Động là còn tồn tại, nhưng pháp mạch của Tào Động không rộng bằng Lâm Tế, cho nên mới có câu : “Lâm Tế trùm khắp thiên hạ, Tào Động chỉ có một góc”.

Đến đời Thanh tông Tào Động chỉ còn hai hệ phái là : Thọ Xương và Vân Môn, nhưng sau Tuệ Kinh thì phái Nguyên Lai đã không còn dấu vết khảo cứu, còn hệ phái Nguyên Hiền thì sau cuộc vận động của Thái Bình Thiên Quốc cũng không còn chấn hưng nữa, chỉ có hậu duệ của Viên Trừng nơi các chùa ở vùng Giang Nam tránh được binh hỏa, cho nên tồn tại được lâu dài.

Động Sơn Lương Giới khi hành cước qua khe suối thấy trời in bóng dưới đáy nước mà khai ngộ. Vì thế kiểu chung bảng tông Tào Động là hình đứng (chữ nhật đứng). Câu chữ là “Lập địa đăng thiên”, người xưa sửa lại là “Đảnh thiên lập địa”.