PHÁP KHÍ NHÀ PHẬT
Thích Thiện Phước

 

Nguồn Gốc Chung Bảng Tông Pháp Nhãn

Người khai sáng ra Tông này là Thiền sư Văn Ích, sau được Chúa Nam Đường ban cho thụy hiệu là “Đại Pháp Nhãn Thiền Sư”, nên hậu thế gọi Tông này là Pháp Nhãn Tông.

Thiền Sư Văn Ích (885 – 958) quê ở  Dư Hàng, xuất gia năm 7 tuổi, sau đến chùa Dục Vương ở Ninh Châu theo Thiền sư Hy Giác học luật và tham cứu Phật điển, lại đi nhiều nơi tham học, nổi tiếng khắp nơi. Sau Thỉ Tổ của Nam Đường là Lý Thăng Kiến Quốc, thỉnh sư đến Kim Lăng, trụ tại Thiền viện Báo Ân, ban hiệu Tịnh Tuệ Thiền Sư. Sư có 63 pháp tự, trong đó Thiên Thai Đức Thiều đứng đầu.

Pháp Nhãn Tông là một trong ngũ gia tông phái của Thiền tông Trung Hoa được khai sáng sau cùng. Văn Ích, Đức Thiều và Diên Thọ, thay  nhau truyền thọ và cực kỳ long thạnh vào thời đầu nhà Tống, về sau dần dần suy vi.

Pháp Nhãn Văn Ích lãnh hội được câu nói của Vân Môn “Một gậy đánh chết rồi đem cho chó ăn, nhưng quí là làm sao cho thiên hạ thái bình”, Vì thế kiểu chung bảng của Pháp Nhãn là hình bát quái. Câu chữ là “Thiên hạ thái bình”.