NGUỒN CỘI
 Hồi ký Hạnh Đoan

 

Thật kỳ lạ, trong gia đình hai bên nội, ngoại, chỉ riêng ba mẹ tôi là có duyên sâu đặc biệt với Phật pháp nhất.

Má tôi chào đời được ba ngày thì thân mẫu mất, bà ngoại của má (tôi gọi bà cố) phải đảm nhận việc nuôi dưỡng má tôi.

Bà cố tôi tướng tốt lắm, gương mặt chữ điền, vầng trán cao rộng, tai dài đẹp như tai Phật. Bà khảy đàn tranh rất hay. Tôi nghe kể là có một tối bà ngồi đánh đàn trước hiên nhà say sưa đến tận nửa đêm, tiếng đàn réo rắt mê hồn đến nỗi có hai cục lửa ở xa bay tới, từ trên không bỗng sà xuống trước mặt bà, bà sợ quá ngưng đàn và kể từ đó bà không dám thức khuya đánh đàn nữa.

Người ta giải thích là tiếng đàn của bà tuyệt quá, khiến thần linh mê mẩn, phải tìm đến nghe. Tôi không biết giai thoại này có thật hay không nhưng lúc nghe kể, cảm thấy rất hãnh diện về tài nghệ của bà.

Tôi bé quá nên không nhớ được hết những kỷ niệm về bà cố, các chị thường kể rằng ngày thôi nôi tôi, bà cố cứ đứng cạnh bên, canh chừng tôi bắt đồ. Bà lo xa đẩy cây thước về phía tôi, miệng luôn bảo: Nè cháu, cầm cây thước này đi, để ngày sau lớn lên làm cô giáo!

Tôi liền chụp ngay cây thước đó, gõ thẳng vào đầu bà cố…

Chỉ nghe kể vậy thôi, lòng tôi đã thấy xót xa, thương bà day dứt. Tôi chưa tròn hai tuổi thì bà cố đã qua đời, vậy mà hồi ức về bà vẫn làm tôi ấm áp, cảm động.

Mười sáu tuổi, má tôi là giai nhân. Má tôi dáng dong dỏng cao, da trắng mát. Bà có đôi mắt phượng sáng long lanh, chiếc mũi thanh thanh, làn môi đỏ thắm, vì vậy mà người trong làng tặng cho biệt danh là Hai Son. Má tôi khéo ăn nói nên rất có tài thuyết phục người. Tất nhiên bà đã khiến cho trái tim nhiều chàng trai chao đảo, nhưng má tôi không chịu kết hôn với ai mà trốn lên chùa làng “đầu quân” ở đó. Nơi đây má tôi tự học và phát huy hết sở trường nhờ vào trí thông minh của mình. Má tôi may giỏi, nấu ăn khéo, chế biến đồ chay rất tài. Dì tôi cứ tấm tắc khen mãi, kể mãi, rằng hễ có giỗ quảy, lễ hội, các mâm cỗ trong chùa thảy đều do một tay má tôi nấu.

Ba tôi lúc đó là một tăng sĩ trẻ lang thang, trôi dạt từ miền Trung vào Nam. Do có thời gian dài cư ngụ giữa rừng, nên ba tôi vướng bịnh sốt rét nặng, người gầy như bộ xương, tình cờ ông đi ngang qua ngôi chùa làng nơi má tôi cư ngụ và tấp vào nghỉ tạm.

Lúc đó mọi người trong chùa ai cũng cho là ba tôi khó lòng qua khỏi, xúm nhau biểu lộ thiện ý:

– Thầy mà chết rồi chúng tôi sẽ góp tiền mua cho cái hòm chôn.

– Tôi sẽ tặng bộ đồ tốt để khâm liệm…

– Tôi biếu mũ, khăn quàng…

Khi ba tôi nhắc lại chuyện này, ông mỉm cười bảo: Mình bị bịnh nặng, đói muốn xỉu… mà ai cũng hứa chết rồi tặng này tặng nọ, nhưng chẳng hề nghĩ tới việc cho ăn… Má tôi thấy cảnh ba tôi nằm chờ chết bơ vơ không thân thích nên tội nghiệp, bèn nấu cháo, sắc thuốc cho ba tôi uống. Thế là ngày ngày ba tôi đều vọng ngóng trông chờ vị nữ ân nhân này đến cứu mạng. Khi bịnh lành, nghĩa tình sâu nặng đó đã nối kết hai người thành duyên.

Má tôi dẫn ba tôi về ra mắt gia đình, bà cố nổi cơn thịnh nộ vì “bao nhiêu trai làng danh giá cầu hôn không chịu ưng”, để cuối cùng dẫn cái thằng côi cút ở tận miền ngoài về.

Mãi đến năm sau, khi má tôi hạ sinh bé gái đầu lòng (chị Hai tôi) rất kháu khỉnh bụ bẫm: mắt to, da trắng hồng, đẹp như búp bê. Bà cố mê cháu nên mở lòng tha thứ, hết giận.

Ba tôi tính không bài bạc rượu chè, tối ngày siêng năng làm lụng, không để mắt đến cô nào khác ngoài má tôi, nên dần dần bà cố cũng đẹp lòng.

Ba tôi dáng thanh thanh, khôi ngô tuấn tú. Người trong làng thường gọi ba tôi là Hai Trắng. Giới mày râu trong làng ai cũng nhậu, nhưng ba tôi thì một giọt rượu chẳng dính môi. Có ông hàng xóm sát bên nhà từng cầu hôn má tôi, cũng đã sang ở rễ ba năm; vậy mà chẳng được se duyên cùng má tôi nên thầm ôm hận, luôn kiếm chuyện gây hấn với ba tôi. Ba tôi chẳng hề biết điều này. Ông có thói quen rất tốt là những khi bị người kiếm chuyện mắng chửi, ông chỉ mỉm cười lặng thinh, không thốt một lời nào.

Ba tôi không có máu văn nghệ như bên ngoại tôi, chẳng ưa hát xướng đàn ca. Ông có giọng tụng kinh cực kỳ hay. Đa số chúng tôi đều chuộng ca hát (có lẽ ảnh hưởng gien di truyền bên ngoại).

Chị Hai tôi mãi đến khi lấy chồng mới thoả dịp thực hiện sở thích riêng, chị sắm đàn, hát hò tha hồ, còn chỉ đạo đám con mình diễn tấu ca, kịch… Nhưng thiệt trái ngược, đám con chị lại giống tính ba tôi, chẳng có tinh thần yêu văn nghệ cao độ (như mẹ, cậu, và các dì của chúng). Đúng là ở đời luôn có chuyện oái oăm, bất như ý thì nhiều, toại lòng thì ít.

Tôi vẫn “tiếc hận” về điều này, giá như tôi được thừa hưởng ngón đàn của bà cố, nếu ba cho phép chúng tôi học nhạc từ nhỏ – thì biết đâu tôi đã thành “thiên tài” sáng tác, đóng góp được rất nhiều cho âm nhạc Phật giáo? – Nhưng thôi, chữ tài luôn vần với chữ tai. Tài năng không có dịp phát huy cũng có nghĩa là mình sẽ ít gặp hoạn nạn rủi ro! Nhờ vậy mà bây giờ tôi tha hồ tưởng tượng mình là “thiên tài… hụt” (nếu được toại ý, biết đâu tôi sẽ thành kẻ tra tấn người nghe bằng chính âm nhạc của mình!)

Tôi nhập thai mẹ được ba tháng, thì tai họa ập tới, má tôi bị bắt với tội danh “tình nghi nuôi giấu địch quân”, bà bị tống giam, nếm đủ màn tra tấn dã man. Má tôi chỉ còn biết niệm Quan Âm liên tục cầu cứu. Có lẽ nhờ vậy mà sau ba tháng, chỉ mình má tôi được thả ra, trong khi các bạn tù khác bị tra tấn đánh đập… chịu hành hạ đến chết. Má tôi nhờ dốc lòng cầu cứu Đức Quan Âm, nên khi được thả còn được đặc cách ban ân (cho nằm tại bịnh viện điều trị nửa tháng, hưởng chế độ ăn uống bồi bổ sản phụ), nhờ vậy mà khi sinh ra, tôi mập ú tròn quay. Má tôi rất cảm mộ và tri ân đức Quan Âm, vì khi tra tấn, người ta không hề đánh vào bụng, nên tôi bình an.

Suốt thời kỳ hoài thai, má luôn niệm danh Đức Quan Âm, treo hình ngài đầy nhà, hễ rảnh rổi là đảnh lễ, chiêm bái, nhìn ngắm không rời. Có lẽ nhờ vậy mà bà sinh tôi ra dễ dàng, cũng nhờ ân sủng Đức Quan Âm, nên sau này, các bạn bè bên Phật gặp tôi, thường buột miệng khen tôi giống… Đức Quan Âm, còn đám bạn đạo Chúa thì khen tôi giống Đức Mẹ… Những lúc đó tôi chỉ mỉm cười, hóm hỉnh đáp lễ: Nếu em giống Đức Mẹ, thì chị giống… Đức Cha!

Dư hương lao tù đã khiến lục phủ ngũ tạng má tôi đều hư hoại, hậu quả của những trận đòn thừa chết thiếu sống. Tim, phổi… nội tạng… đều bị tổn thương nặng, cơn đau ngày đêm hành hạ, nên chỉ vài năm sau là má tôi qua đời, không thuốc thang nào có thể chữa khỏi.

Bốn năm gần mẹ ngắn ngủi vẫn cho tôi hiểu được rằng: Còn mẹ, là còn tất cả trân bảo trên thế gian. Những kỷ niệm lượm lặt chắt góp về mẹ luôn là nguồn động viên an ủi tôi vui sống, dù không còn hình bóng bà bên cạnh.

Ngộ một điều là càng lớn, tôi càng thương mẹ da diết, tôi nhớ giọt lệ nghẹn ngào của bà khi hiểu rằng bệnh tình khó qua, mình sắp sửa bỏ con bơ vơ… Vì vậy mà bà đã cưng bù, biểu lộ tình thương dồn dập dành cho tôi trong những ngày tháng cuối.

Mẹ bịnh nằm trên giường, tôi lúc nào cũng đeo dính bà và nhảy tung tăng quanh giường như con sáo. Lúc đó tôi hạnh phúc lắm, bàn tay thanh gầy của mẹ lúc nào cũng vuốt tóc tôi, đôi mắt đẹp dịu hiền của bà luôn nhìn tôi long lanh ngấn lệ… Đến khi bà mất tôi chỉ biết ngẩn ngơ. Không còn mẹ, tôi đành đứng trước tủ thờ và cứ đứng mãi ở đó, vì trên tủ thờ có chưng hình của bà.

Ba tôi từ lúc lâm vào cảnh gà trống nuôi con… lẫn cháu, rất là khốn đốn. Nên vài năm sau ông bắt buộc phải tục huyền, chia sẻ gánh nặng cho thứ mẫu tôi, một phụ nữ quê ở Bà Điểm, tính rất dịu hiền.

Do ba tôi và thứ mẫu phải đi làm xa, chị Hai tôi thì đã vu quy, chị Ba thì đã xuất gia. Còn lại ba anh em tôi đang tuổi đi học, nghĩ chùa là môi trường giáo dục tốt nhất nên ba tôi đem hết chúng tôi vào ký gởi trong chùa, tháng tháng ông đóng tiền, để lại căn nhà khang trang ông và má tôi (từng chung sức xây nên) cho bà con bên nội vào ở nhờ.

Xem như suốt thời thơ ấu, trừ ba tháng hè ra, tôi toàn là ở trong chùa. Quen mùi tự viện cho nên lớn lên tôi không tài nào bước ra khỏi quỹ đạo này, hễ lìa chốn già lam thì tôi sống giống như cá lìa nước.

Hồi nhỏ chúng tôi không ở hẳn một chùa nào, ba tôi cứ lựa các chùa Phật học hay Ký nhi mà gởi con. Chùa có vài thầy, một bà cô già đảm trách nấu ăn, hoặc chùa có ba bốn thầy, nhưng các sinh viên học sinh Phật tử xin tá túc có đến năm sáu người. Vì vậy mà tôi am tường không khí chùa Tăng, thân với các sinh viên như anh em một nhà. Thuở ấy đám thư sinh tính ai cũng hiền, chân chất, tinh khôi. Ngoài học và đùa nghịch ra, chúng tôi còn tham dự sinh hoạt Gia Đình Phật Tử hoặc Hướng Đạo, thỉnh thoảng hùn tiền cùng nhau mua kem, nấu chè ăn.

Có lần, thấy quán kem nhạc sống “Hoa Tình Thương” mới khai trương sát cổng chùa, chúng tôi thích lắm, bàn nhau góp tiền mua kem ăn. Trước đây nhà tôi từng bán kem, cũng ở gần hãng kem nên tôi nghĩ với số tiền hùn này, tha hồ ăn kem thoả thuê. Các anh sinh viên không rành giá nên cứ phó thác niềm tin vào tôi, dù lúc đó tôi chỉ mới lên mười, các anh vừa móc tiền ra vừa hỏi tôi:

– Nhiêu đây đủ chưa bé?

– Dư là đằng khác!

Câu đáp của tôi làm các anh hài lòng, hưng phấn. Chẳng ai còn tinh thần ôn bài, cứ ngồi sắp hàng dài, ngóng cổ đợi tôi mua kem về. Tôi và chị Phượng bàn bạc một hồi, nghĩ nhiêu đây tiền mua kem, sợ rằng có dùng tô hay ca gì cũng không đủ chứa, thế là tôi và chị phượng bèn lấy cái thau to đùng, đường kính nửa thước để đựng kem.

Khi tôi đưa tiền, chìa thau ra, nhân viên trong quán múc cho hai muỗng kem nhỏ xíu… thả vào thau.

Kem mang về, mỗi người vít một muỗng là hết. Các anh cười ha hả, vui như tết – vì cảnh mang cái thau to đùng đi mua kem của tôi. Những sinh viên ở trọ chùa thời đó, sau đều thành tài, tốt nghiệp bác sĩ, dược sĩ, nha sĩ… hết cả. Chỉ riêng ba anh em chúng tôi là thành tu sĩ. Tôi đã quen cảnh ở chùa, ăn cơm chùa, khó bám trụ ngoài đời.

Chị Phượng thường trêu tôi:

– Mày cứ nguyện đời đời ăn chay đi, kiếp sau lại phải sinh trong nhà nghèo, ăn toàn cơm với muối cho mà coi!

Tôi đáp: Em thà làm con nhà nghèo, dù ăn cơm với muối vẫn là ăn chay! Còn hơn sinh làm con cưng, mỗi ngày được ba mẹ hầm cho một con bồ câu ăn mà tội đầy đầu!

Ba tôi sau một thời lưu lãng, cũng quay về chùa tái xuất gia.

Nguồn cội, đối với tôi không phải là bên nội bên ngoại, là Huế hay Bình Dương – mà chính là chốn già lam, nơi có bầu không khí thanh thoát, có Đức Phật từ bi luôn mỉm cười…