ngũ ý

Phật Quang Đại Từ Điển

(五意) I. Ngũ Ý. Chỗ nương tựa của ý thức, tức là thức Mạt na. Theo luận Đại thừa khởi tín, thì ý có 5 tên: Nghiệp thức, Chuyển thức, Hiện thức, Trí thức và Tương tục thức. 1. Nghiệp thức: Thức A lại da căn bản do vô minh bất giác mà sinh khởi tâm động, tức vọng tâm hiện khởi. 2. Chuyển thức: Nương nơi tâm động mà sinh ra tướng hay thấy, tức là tác dụng chủ quan. 3. Hiện thức: Có khả năng hiện khởi tất cả cảnh giới, tức là đối tượng khách quan. 4. Trí thức: Có năng lực phân biệt các cảnh giới, cho những vật thực tại là đối tượng ngoài tâm. 5. Tương tục thức: Chỉ cho tác dụng (niệm) phân biệt liên tục, tức do nhận thức mà có các khái niệm chứa lại trong tâm thức tương ứng không dứt, từ đó mà sinh ra ý thức.Về mối quan hệ giữa thức A lại da, ngũ ý và ý thức, theo Khởi tín luận nghĩa sớ quyển thượng, phần cuối, của ngài Tuệ viễn, thì tâm là thức thứ 8, ngũ ý là thức thứ 7, ý thức là thức thứ 6. Còn theo Khởi tín luận nghĩa kí quyển trung, phần cuối, của ngài Pháp tạng, thì trong ngũ ý, Nghiệp thức, Chuyển thức và Hiện thức là Tự thể phần, Kiến phần và Tướng phần của thức thứ 8; Trí thức, Tương tục thức là ý thức; còn thức thứ 7 thì sách này chưa đề cập đến. Khởi tín luận sớ kí quyển 3 của ngài Nguyên hiểu cũng cho rằng Nghiệp thức, Chuyển thức và Hiện thức là thức thứ 8, Trí thức là thức thứ 7 và Tương tục thức là thức thứ 6. [X. luận Thích ma ha diễn Q.4]. II. Ngũ Ý. Chỉ cho Nhân ý, Thiên ý, Tuệ ý, Bồ tát ý và Phật ý theo kinh Pháp hoa.