ngũ vị thiền

Phật Quang Đại Từ Điển

(五味禪) Cũng gọi: Ngũ thiền, Ngũ loại thiền. Đối lại: Nhất vị thiền. Năm pháp thiền có thứ bậc cạn sâu khác nhau do ngài Khuê phong Tông mật phân lập. Đó là: 1. Thiền ngoại đạo: Người tu thiền thích cảnh giới trên, chán cảnh giới dưới. 2. Thiền phàm phu: Người tu thiền tin lí nhân quả 1 cách chân chính, nhưng cũng do tâm thái thích, chán mà tu tập. 3. Thiền Tiểu thừa: Người tu pháp thiền này chỉ ngộ được lí ngã không. 4. Thiền Đại thừa: Người tu pháp thiền này ngộ được lí ngã không và pháp không. 5. Thiền Tối thượng thừa, cũng gọi Thiền Như lai thanh tịnh, Nhất hạnh tam muội, Chân như tam muội. Người tu pháp thiền này đốn ngộ tâm mình xưa nay vốn thanh tịnh, không phiền não, vốn tự đầy đủ trí tính vô lậu, tâm ấy là Phật, hoàn toàn không khác. Thiền này là cội gốc của tất cả pháp thiền, là do môn đệ của tổ Bồ đề đạt ma truyền nối. Ngài Tông mật chủ trương Thiền, Giáo là một, cho Nhất hạnh tam muội nói trong các kinh (giáo nội)là Tam muội vương căn bản, tức là thiền chân thực do Phật và Tổ truyền. Nhưng Thiền tông chê đó là thiền Như lai 5 vị xen tạp, khác xa với thiền Tổ sư 1 vị thuần tịnh. [X. Cảnh đức truyền đăng lục Q.13; Liên đăng hội yếu Q.4, 7; Cổ tôn túc ngữ lục Q.3; Thiền tông tụng cổ liên châu thông tập Q.11; Ngũ đăng nghiêm thống Q.3; Ngũ đăng toàn thư Q.5].