ngũ vị

Phật Quang Đại Từ Điển

(五位) I. Ngũ Vị. Cũng gọi Ngũ sự, Ngũ pháp, Ngũ phẩm. Chỉ cho 5 phẩm loại khác nhau bao gồm tất cả pháp hữu vi và vô vi.1. Sắc pháp: Chỉ cho thế giới vật chất.2. Tâm pháp: Chỉ cho thức chủ thể cấu tạo thành tâm.3. Tâm sở pháp: Chỉ cho các tác dụng của tâm.4. Tâm bất tương ứng hành pháp: Chẳng phải sắc pháp, chẳng phải tâm pháp mà là pháp hữu vi không tương ứng với tâm, như: Sinh trụ dị diệt, để nói rõ các hiện tượng tồn tại. 5. Vô vi pháp: Chỉ chung cho các pháp không do tạo tác mà có, sự sinh diệt biến hóa của chúng chẳng phải do nhân duyên, cũng không khởi tác dụng. Trong 5 vị này, luận Câu xá lại chia Sắc pháp thành 11 thứ, Tâm pháp 1 thứ, Tâm sở pháp 46 thứ, Bất tương ứng hành pháp 14 thứ và Vô vi pháp 3 thứ, tổng cộng 75 thứ, cho nên gọi là 5 vị 75 pháp. Tông Duy thức Đại thừa thì chia Tâm pháp thành 8 thứ, Tâm sở pháp 51 thứ, Sắc pháp 11 thứ, Bất tương ứng hành pháp 24 thứ và Vô vi pháp 6 thứ, tổng cộng 100 thứ, vì thế gọi là 5 vị 100 pháp. Tông Câu xá sắp xếp thứ tự của 5 vị là: Sắc, tâm v.v… vì tông này cho rằng đối tượng ngoài tâm là có thật, từ đó lại khởi lên tâm và tâm sở trong nội tâm. Còn tông Duy thức thì xếp theo thứ tự: Tâm, tâm sở v.v… vì tông này chủ trương các pháp đều do thức biến hiện chứ không có thực thể. [X. luận Câu xá Q.4; luận Thuận chính lí Q.10; luận Thành duy thức Q.7; Bách pháp minh môn luận sớ Q.thượng; Thành duy thức luận thuật kí Q.7, phần cuối]. II. Ngũ Vị. Cũng gọi Duy thức ngũ vị, Duy thức tu đạo ngũ vị. Chỉ cho 5 giai vị của Bồ tát Đại thừa do tông Duy thức phân lập. Đó là: 1. Tư lương vị: Giai vị chứa nhóm các thiện hữu lậu để đạt đến quả vị Phật. Chỉ cho hàng Bồ tát Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng, lấy phúc đức trí tuệ làm tư lương trợ đạo, vì thế gọi là Tư lương vị. Ba giai vị này gọi là Đại thừa tam hiền vị. Trong đó, Thập trụ nặng về tu tập Lí quán, Thập hạnh nghiêng về tu tập Sự quán, còn Thập hồi hướng thì phần nhiều tu Lí sự bất nhị quán. Pháp tu hành này gọi là Đại thừa thuận giải thoát phần, tuy đã dứt trừ được sự hiện hành của 2 chấp phân biệt, nhưng hạt giống của năng thủ và sở thủ vẫn còn tiềm phục chưa trừ. Đây là giai vị chiết phục chướng ngại đầu tiên trong 5 giai vị của Duy thức. 2. Gia hạnh vị: Chỉ cho Bồ tát tứ gia hạnh vị (Noãn, Đính, Nhẫn, Thế đệ nhất), nhờ đã được tư lương phúc đức mà thêm công dụng hạnh để vào Kiến đạo (Hoan hỉ địa) trụ ở vị chân như. Giai vị này có thể đạt đến cảnh giới không có 2 ngã(nhân ngã và pháp ngã) mà có 2 vô ngã (nhân vô ngã và pháp vô ngã), nhưng trong tâm vẫn hiện tiền tướng như, nên vẫn chưa phải thực trụ nơi cảnh giới Duy thức. Đây gọi là Đại thừa thuận quyết trạch phần. 3. Thông đạt vị, cũng gọi Kiến đạo vị. Bồ tát Sơ địa thể hội chân như, trí chiếu soi lí, thấy được Trung đạo, nên gọi là Thông đạt vị. Tức là giai vị chứng được trí vô lậu đầu tiên, đồng thời thể hội lí chân như. Đây là giai đoạn hoàn thành sự tu hành trong đại kiếp thứ nhất, tương đương với giai đoạn Nhập tâm của Sơ địa, nên cũng gọi là Kiến đạo vị. 4. Tu tập vị, cũng gọi Tu đạo vị. Chỉ cho Bồ tát từ Nhị thừa đến Thập địa, mặc dù đã thấy đạo rồi, nhưng vì đoạn trừ chướng ngại, lại phải tu tập trí căn bản, nên gọi là Tu tập vị. 5. Cứu cánh vị: Chỉ cho quả Phật Diệu giác, là giai vị cùng tột, nên gọi là Cứu cánh vị. [X. luận Thành duy thức Q.9; luận Đại thừa a tì đạt ma tập Q.5; luận Du già sư địa Q.64; Duy thức tam thập luận tụng; Đại thừa pháp tướng danh mục Q.1, trung]. III. Ngũ Vị. Chỉ cho 5 giai vị tu hành của Tiểu thừa. Tức là: 1. Tư lương vị: Lại chia làm 3 vị: Ngũ đình tâm, Biệt tướng niệm(trong 4 niệm xứ quán xét riêng từng pháp một)và Tổng tướng niệm(quán chung 4 pháp 1 lượt). 2. Gia hạnh vị: Gồm có 4 vị: Noãn vị, Đính vị, Nhẫn vị, Thế đệ nhất vị. Bốn giai vị thêm công dụng tu hành, chứng được đạo quả. 3. Kiến đạo vị: Chỉ cho quả Thanh văn đầu tiên, dứt Kiến hoặc trong 3 cõi, thấy được lí chân không.4. Tu đạo vị: Chỉ cho các quả Thanh văn thứ 2, thứ 3, tu pháp Tứ đế, dứt Tư hoặc ở cõi Dục.5. Vô học vị: Chỉ cho quả A la hán thứ 4, dứt sạch Kiến, Tư hoặc trong 3 cõi, chứng chân lí rốt ráo, không còn gì để học.[X. Thiên thai tứ giáo nghi tập chú Q.hạ].IV. Ngũ Vị. Cũng gọi Động sơn ngũ vị. (xt. Động Sơn Ngũ Vị).