KINH A DI ĐÀ YẾU GIẢI
Linh Phong Ngẫu Ích Trí Húc Đại Sư Soạn
Việt dịch: Bồ Tát Giới Đệ Tử Tuệ Nhuận

NGŨ TRÙNG HUYỀN NGHĨA

(Năm tầng nghĩa huyền vi)

I. THÍCH RÕ NGHĨA CÁI TÊN ĐỀ CỦA BỘ KINH.

Bộ kinh này dùng người nói ra kinh và người bị nói đến trong kinh để đặt thành cái tên đề của bộ kinh là “Phật thuyết A Di Đà kinh”. Chữ “Phật” ở đây nghĩa là gì?

Chữ “Phật” ấy là đức Giáo Chủ, người nói ra bộ kinh này, tức là đức Thích Ca Mâu Ni, Ngài theo sức mạnh của lời thề nguyện và lòng thương xót hết thảy, mà Ngài giáng sinh vào trong đời đầy cả năm uẩn độc ác. Ngài là người giác ngộ trước tiên, Ngài giác ngộ cho người sau cũng giác ngộ như Ngài; không có một pháp nào mà Ngài chẳng biết rõ, thấy rõ.

Chữ “thuyết” là Ngài vui lòng mà nói ra. Phật lấy việc cứu độ chúng sinh làm vui lòng nhất. Cơ hội chúng sinh được thành Phật đã đến rồi, nên Ngài mới nói cái phép tu rất khó tin này cho mà nghe, để cho chóng được giải thoát rốt ráo, cho nên Ngài rất vui lòng mà nói.

Chữ “A Di Đà” là tên của đức Đạo Sư ở quả đất bên kia, là người bị nói đến trong bộ kinh này, tức là đức A Di Đà người đã dùng 48 lời thệ nguyện để tiếp dẫn những chúng sinh có lòng tín, nguyện, niệm Phật cho sinh về thế giới Cực Lạc, được vĩnh viễn lên ngôi Bất Thoái.

Chữ “A Di Đà” là tiếng Phạn (Brahma) ở Ấn Độ, nguyên âm đọc là Amita, dịch nghĩa ra chữ Hán là Vô Lượng Thọ và Vô Lượng Quang, nghĩa là “sống lâu vô cùng, sáng suốt vô cùng”. Nhưng nói tóm lại thì Ngài còn có rất nhiều công đức đều là vô cùng, vô tận, vô lượng, vô biên, như là: trí tuệ, thần thông, đạo lực, y báo trang nghiêm, thuyết pháp, giáo hóa, tế độ v.v… cái gì cũng vô lượng, vô biên cả.

Chữ “kinh” thì tất cả những lời vàng do Phật nói ra đều là Kinh. Chữ “kinh” là phần Thông, đối với 5 chữ “Phật thuyết A Di Đà” ở trên là phần Biệt. Cả hai phần hợp lại mà thành ra cái tên của bộ kinh này. Mỗi bộ kinh phải có đủ ba phần: phần giáo, phần hình và phần lý; phần nào cũng có cả Thông và Biệt, muốn hiểu biết, xem bộ Thai Tạng sẽ rõ.

II. BIỆN LUẬN VỀ THỂ CHẤT CỦA BỘ KINH

Kinh Đại Thừa nào cũng phải lấy Thực Tướng làm thể chất chính của bộ kinh 1.

Thực Tướng là cái gì? Thực Tướng là tâm tính của con người ta. Tâm tính của con người ta nó chỉ hiện ra trong một niệm (một loáng) 2 Đối với không gian nó chẳng ở trong, chẳng ở ngoài, chẳng ở giữa. Đối với thời gian, nó chẳng phải quá khứ, chẳng phải hiện tại, chẳng phải vị lai. Đối với mầu sắc, nó chẳng xanh, vàng, đỏ, trắng… Đối với hình thức, nó chẳng phải dài, ngắn, vuông, tròn… Đối với phẩm chất, nó chẳng phải Hương, chẳng phải Vị, chẳng phải Xúc, chẳng phải Pháp… Tìm nó mãi chẳng thể thấy được, mà chẳng khá bảo rằng nó là cái không thực có; nó tạo ra được đủ 100 pháp giới, 1.000 cái Như Thị 3, mà chẳng khá bảo rằng nó là cái thực có. Nó không phải là hình tướng của những cái mình suy nghĩ, phân biệt, nhận biết bằng lời nói, bằng chữ viết, câu văn; thế mà những cái mình suy nghĩ, phân biệt, nhận biết bằng lời nói, chữ viết, câu văn đều không có tự tính nếu không có nó. Tóm lại, nó chẳng phải là hết thảy mọi hình tướng, mà nó tức là hết thảy mọi pháp (mọi sự, mọi vật). Vì nó chẳng phải là mọi hình tướng, cho nên nó không có hình tướng; nhưng nó tức là mọi pháp cho nên hình tướng nào nó cũng có. Bất đắc dĩ, chẳng biết gọi nó là gì, phải miễn cưỡng gọi nó là “Thực Tướng” vậy. Thể chất của Thực Tướng chẳng phải yên lặng (tịch), chẳng phải soi sáng (chiếu), lại vẫn yên lặng mà thường soi sáng, vẫn soi sáng mà thường yên lặng (tịch chiếu, chiếu tịch).

Vì nó soi sáng mà yên lặng, nên miễn cưỡng gọi nó là chỗ ở Thường Còn, Yên Lặng, Sáng Ngời (Thường Tịch Quang Độ) 4. Vì nó yên lặng mà soi sáng, nên miễn cưỡng gọi nó là Thân Pháp Tính Trong Sạch (Thanh Tịnh Pháp Thân).

Lại còn, nó vừa Chiếu và Tịch, nên miễn cưỡng gọi nó là Pháp Thân; nó vừa Tịch vừa Chiếu, nên miễn cưỡng gọi nó là Báo Thân. Lại còn, trong nó có hai Đức, một đức về phần Tính và một đức về phần Tu. Tu đức của nó cũng vừa Tịch vừa Chiếu, nên gọi nói là Báo Thân.

Lại nữa, Tu đức của nó vừa Chiếu vừa Tịch, nên gọi là Thụ Dụng Thân. Tu đức của nó vừa Tịch vừa Chiếu nên gọi là Ứng Hóa Thân.

Phần Tịch, phần Chiếu chẳng phải là hai. Phần Tính, phần Tu chẳng phải là hai. Thân với Độ 5 chẳng phải là hai. Cái gì cũng là Thực Tướng cả. Thực tướng không phải là hai, cũng không phải là chẳng hai. Bởi thế, cho nên có khi toàn thể cái Thực Tướng ấy, cái thì tạo ra y báo, cái thì tạo ra chính báo, cái thì tạo ra Pháp Thân, cái thì tạo ra Báo Thân, cái thì tạo ra tự mình, cái thì tạo ra kẻ khác v.v… cho đến có khi: cái thì tạo ra người Năng Thuyết 6, cái thì tạo ra người Sở Thuyết 7, cái thì tạo ra người Năng Độ 8, cái thì tạo ra người Sở Độ 9, cái thì tạo ra Năng Tín, cái thì tạo ra Sở Tín, tạo ra Năng Nguyện, Sở Nguyện, Năng Trì, Sở Trì, Năng Sinh, Sở Sinh, Năng Tán, Sở Tán v.v… cái gì cũng là “nét in” của “con dấu” Thực Tướng đã in ra cả.

(Lời người dịch: Ý nghĩa huyền bí của tầng thứ hai này là: Tất cả những cái gì nói ở trong bộ kinh A Di Đà đều là những cái do Thực Tướng tâm tính Bồ Đề của con người ta hay là của chư Phật, hay là của chúng sinh đã tạo ra tất cả. Tức là cái nghĩa huyền bí ở trong câu: “Nhất thiết duy tâm tạo” ở kinh Hoa Nghiêm, hay là ở trong câu: “Thị chư Pháp Thực Tướng” ở kinh Pháp Hoa, hay là ở trong câu “Nhất thiết duy tâm sở hiện” ở kinh Thủ Lăng Nghiêm. Vậy chỉ có tâm Bồ Đề của con người là Chính Thể của tất cả kinh Đại Thừa. Hiểu được huyền nghĩa này, các kinh sẽ hiểu).

Năng tín là cái tâm mình tin tưởng. Sở tín là cái pháp mình tin tưởng. Năng nguyện là cái tâm mình phát nguyện phải làm cho được, tức là mình quyết định bỏ ác ở Ta Bà, làm thiện ở Tịnh Độ. Sở nguyện là nơi mình sở thích ở, tức là thế giới Cực Lạc. Năng trì là 3 nghiệp thân, miệng, ý của mình vì nó cùng chấp trì được danh hiệu Phật. Sở trì là danh hiệu Phật bị chấp trì. Năng sinh là ba món tư lương: “Tín, Nguyện, Hạnh” để cho mình đi đường sinh Tịnh Độ. Sở sinh là bốn cõi Tịnh Độ: “Thường Tịch Quang, Thực Báo Trang Nghiêm, Phương Tiện Thánh Cư và Cực Lạc Đồng Cư”, là nơi mình được sinh sang. Năng tán là người hay khen ngợi, tán thán, tức là Phật Thích Ca và chư Phật ở khắp mười phương nhiều như số cát sông Hằng. Sở tán là phần độ Y Báo và phần thân Chính Báo của đức A Di Đà được tán thán, khen ngợi.

Lại còn, chữ Tịch là cái thể chất yên lặng của Thực Tướng; chữ Chiếu là cái thể chất soi sáng của Thực Tướng. Pháp Thân là cái thân Pháp Tính, giác quan của loài chúng sinh chẳng thể nào cảm thấy được. Báo Thân là cái thân quả báo tốt lành, bởi công đức tu hành kết lại mà hiện ra. Thụ Dụng Thân là cái thân để cho mình thụ dụng, hay để cho người khác thụ dụng. Ứng Thân là cái thân ứng hiện và biến hóa ra để cứu các loài chúng sinh.

III. NÓI VỀ TÔN CHỈ CỦA BỘ KINH

Tôn chỉ là đường lối thiết yếu tu hành, là then chốt để nhận rõ Thực Tướng của tâm tính mình. Nó là cương lĩnh của muôn vàn đức hạnh tu trì. Cương là đầu mối của cái lưới, hễ nắm được cương thì các mắt lưới đều phải giương lên. Lĩnh là cổ áo, hễ nắm được lĩnh thì tay áo và vạt áo đều buông thẳng xuống. Cho nên sau khi đã biện luận Thể Chất của bộ kinh rồi, phải biện luận Tôn Chỉ của nó, để người tu học nắm lấy cương lĩnh của bộ kinh, dùng làm then chốt, đường lối cho muôn vàn công hạnh tu trì.

Kinh này dùng cái tâm TÍN và NGUYỆN với việc TRÌ DANH (tức là Niệm Phật) làm Tôn Chỉ thiết yếu tu hành. Chẳng có tâm Tín, chẳng đủ sức phát Nguyện. Chẳng phát nguyện, chẳng đủ sức đi đến chỗ thực hành. Chẳng thực hành được cái hạnh tu mầu nhiệm Trì Danh (tức là việc niệm Phật) thì chẳng làm được cho mình mãn nguyện và chứng thực được cái pháp mình đã tin theo (tức là được sinh sống cái đời sống trong sạch ở nơi trong sạch – tịnh thân ở Tịnh Độ).

Trong kinh này, trước hết chỉ bày cho thấy rõ phần Y Báo là chỗ ở trong sạch tức là Tịnh Độ, và phần Chính Báo, là cái thân trong sạch, tức là tịnh thân để người tu thấy rõ, hiểu rõ, để sinh lòng Tin chắc thật. Sau rồi chỉ bảo cho phép Trì Danh, là phép niệm danh hiệu Phật, để người tu lên thẳng ngôi Bất Thoái (lên ngôi này chẳng còn thoái lui xuống nữa, tức là ngôi Bồ Tát).

TÍN là tin, tin ở mình (tín tự), tin ở người ta (tín tha), tin ở nhân, tin ở quả, tin ở sự, tin ở lý.

NGUYỆN là cầu nguyện cho mình chán bỏ được chỗ ở cực ác: cõi Sa Bà, cầu nguyện cho mình vui thích chỗ ở chí thiện cõi: Cực Lạc.

HÀNH là phải thực hành việc chấp trì danh hiệu (tức là việc niệm Phật). Niệm Phật sao cho đến chỗ: “Nhất tâm bất loạn”, nghĩa là niệm Phật để giữ cái tâm mình cho nó rất yên tĩnh, nó không bị những thành kiến, tà kiến, những lòng tham dục, giận dữ, ngu si, kiêu mạn, nghi ngờ, luôn đến, luôn làm cho tâm mình bị rối loạn.

TÍN

1. Thế nào là tin ở mình? Người tu học mà tin ở mình là: tin ở cái tâm tính của mình 10, nó chỉ hiện ra trong một loáng (một niệm). Tâm tính của mình đây chẳng phải là trái tim thịt đâu, chẳng phải là những cái bóng trần duyên mình tưởng tượng thấy hiện ra ở trong khối óc, trái tim đâu. Tâm tính của mình đây: về thời gian, nó không có lúc nào là kiếp trước của nó, không có lúc nào là kiếp sau của nó; về không gian, nó không có chỗ nào là bến bờ của nó. Lúc nào cũng có nó, chỗ nào cũng có nó, nó tràn đầy khắp cả vũ trụ, khắp không gian vô biên, khắp thời gian vô tận. Tâm tính của mình, suốt ngày nó theo mọi trần duyên, suốt ngày nó chẳng hề biến đổi.

Cả quãng hư không mênh mông bát ngát khắp mười phương và bao nhiêu thế giới nhiều như vi trần đang quay cuồng ở trong đó, đều là những vật bị tạo ra ở trong tâm tính của mình trong một niệm hiện ra đây. Mặc dầu mình tối tăm điên đảo, mê hoặc, không nhận rõ được tâm tính của mình nó bao la rộng lớn như thế, nhưng nếu mình chịu hồi tâm trong một niệm (một loáng) thì quyết định là mình sẽ được sinh vào cái thế giới Cực Lạc, là cái thế giới vốn sẵn có đủ ở trong tâm tính của mình, không còn nghi ngờ gì nữa.

Tin như thế gọi là Tin ở mình (tức là tin ở cái tâm tính chân thực của mình, trong nó có sẵn mầm nhân để tạo ra thế giới Cực Lạc).

2. Thế nào là tin ở người?

Người tu học tin ở người, là tin Phật Thích Ca không nói dối, tin Phật A Di Đà không nguyện xuông, tin chư Phật ở sáu phương có tướng lưỡi rộng dài, quyết không nói hai lời. Phải thuận theo lời dạy bảo chân thực của chư Phật, quyết chí cầu sinh sang Cực Lạc, không còn nghi hoặc nữa.

Tin như thế gọi là tin ở người (tức là mình tin lời dạy bảo của người).

3. Thế nào là tin ở nhân?

Người tu học tin ở nhân là tin rất sâu rằng: Kẻ niệm Phật mà tâm tán loạn cũng còn tạo ra được hạt giống để thành Phật mai sau, huống chi là người niệm Phật nhất tâm bất loạn thì sao lại chẳng được sinh sang Tịnh Độ.

Tin như thế gọi là tin ở nhân (vì mình tin cái tiếng niệm Phật ấy tức là cái nhân thành Phật).

4. Thế nào là tin ở quả?

Người tu học tin ở quả là tin rất sâu rằng: Các vị thượng thiện nhân đang tụ hội ở cõi Tịnh Độ kia, đều là những người đã theo phép Niệm Phật Tam Muội mà đã được sinh sang đấy, giống như người trồng nhân dưa đã được quả dưa, trồng nhân đậu đã được quả đậu. Cũng giống như bóng phải theo hình, vang phải theo tiếng, quyết không hư hỏng chút nào.

Tin như thế gọi là tin ở Quả (vì mình tin sự kết quả của những người đã được sinh kia).

5. Thế nào là tin ở sự thật?

Người tu học tin ở sự thật là tin rất sâu rằng: Cái tâm tính của mình tuy nó chỉ hiện ra trong một niệm (một loáng), mà thực ra nó rộng lớn vô cùng, chẳng biết đến đâu là hết được; thế thì những thế giới khắp mười phương xuất hiện ở trong tâm tính mình cũng chẳng biết bao nhiêu là hết được. Vậy thời thế giới Cực Lạc ở cách đây mười vạn ức Phật độ là một thế giới có thực, rất thanh tịnh trang nghiêm, chứ chẳng phải thế giới tưởng tượng ở trong bài ngụ ngôn của Trang Tử.

Tin như thế gọi là tin ở sự thực (vì mình tin cảnh giới Tịnh Độ là một sự thực có).

6. Thế nào là tin ở lý?

Người tu học tin ở lý là tin rất sâu rằng: Mười vạn ức Phật độ tuy là nhiều lắm, xa lắm; mà thực ra nó chỉ ở trong tâm tính của ta hiện ra trong một niệm đây. Nó không thể ở ra ngoài tâm tính của ta được, bởi vì tâm tính của ta không có đâu là ngoài để cho nó ở. Vả lại tin rất sâu rằng: Ở Tây Phương, Tịnh Độ của thế giới Cực Lạc với tịnh thân của vị Giáo Chủ và của các bạn 11 đều giống như những cái bóng hiện ra ở trong cái gương tâm tính của ta đây hiện ra trong một niệm.

Hoàn toàn những sự ấy tức là lý, hoàn toàn những vọng ấy tức là chân, hoàn toàn phần tu ấy tức là phần tính, hoàn toàn phần người khác ấy tức là phần mình; bởi vì tâm tính của mình tràn đầy khắp cả. Tâm tính của Phật cũng tràn đầy khắp cả. Tâm tính của hết thảy chúng sinh cũng tràn đầy khắp cả. Thí dụ như nghìn ngọn đèn cùng ở trong một căn nhà, ánh sáng của đèn nào cũng tràn đầy khắp cả nhà; ánh sáng này, ánh sáng khác nó giao chập vào với nhau chẳng hề chướng ngại gì cả. Tin sâu như thế gọi là tin ở Chính Lý (vì mình tin toàn thể cái khối Nhất Chân Pháp Giới ấy là chính lý).

NGUYỆN

Người tu học đã có sáu sức mạnh tin như thế rồi thì hiểu rằng: Cõi Sa Bà ô uế này là do tâm tính mình ô uế đã tạo ra nó, lý ưng mình phải chán bỏ nó ra; cõi Cực Lạc trong sạch kia là do tâm tính mình trong sạch tạo ra nó, lý ưng mình vui cầu lấy nó (sự thật này tức là lý thật).

Mình đã chán ô uế thì nên bỏ, mà đã nên bỏ thì phải bỏ cho thật rốt ráo, không còn phải bỏ đi, bỏ lại nữa. Mình đã thích trong sạch thì nên lấy, mà đã lấy thì cũng lấy cho kỳ rốt ráo, không còn phải lấy đi lấy lại nữa. Sách Diệu Tông nói: “Người nào đã bỏ hết rồi, đã lấy hết rồi tức là người không còn phải bỏ, phải lấy gì nữa. Nếu ai chẳng làm cho trọn hết cái việc lấy và bỏ, mà đã vội nói rằng tôi chẳng lấy, chẳng bỏ gì cả, thế là người chỉ nói lý xuông, mà chẳng chịu làm cho xong phận sự. Phần Sự đã bỏ chẳng chịu làm cho xong thì phần Lý cũng chẳng bao giờ được trọn vẹn”.

Nếu mình đã hiểu thấu được (và tin chắc được) hoàn toàn Sự ấy tức là Lý ấy, thời mình chí nguyện lấy sự này tức là đúng lý mà lấy, và mình chí nguyện bỏ sự kia, cũng là đúng lý mà bỏ; một khi bỏ, một khi lấy chỉ là bỏ Pháp Giới này lấy Pháp Giới kia đấy thôi. Và đều đúng lý cả.

Cho nên sau khi đã có tâm Tín rồi, thì phải phát nguyện cho rõ ràng (chí nguyện bỏ hay là chí nguyện lấy).

HÀNH

Bây giờ nói đến Hành là người chấp trì danh hiệu, nhất tâm bất loạn, tức là người niệm danh hiệu Phật để cho tâm mình đậu vào một chỗ, chẳng bị rối loạn. Niệm danh hiệu Phật là niệm công đức Phật (đã tin sâu như thế thì cứ tin, đừng suy nghĩ nữa mà hỏng việc). Công đức của Phật chẳng khá nghĩ, chẳng khá bàn cho nên danh hiệu của Phật cũng chẳng khá nghĩ, chẳng khá bàn (vì trí tuệ mình thấp kém quá, nghĩ bàn sao được mà nghĩ bàn!) Danh hiệu của Phật và công đức của Phật đều chẳng khá nghĩ bàn, cho nên người niệm danh hiệu Phật mà tâm tán loạn cũng đã tạo được hạt giống thành Phật mai sau và người niệm Phật nhất tâm bất loạn sẽ được lên ngay ngôi Bồ Tát Bất Thoái.

Các kinh nói về phép tu Tịnh Độ rất nhiều, có nghìn vạn phép khác nhau, như là những phép ngồi quán tưởng Phật, phép ngồi quán tượng và các phép: lễ bái, cúng dường, ngũ hối, lục niệm v.v… Trong các phép ấy, tu được một phép nào cũng được sinh về Tịnh Độ.

Duy chỉ có một phép Trì Danh là phép Niệm Phật này là thu được hết mọi hạng người, ai tu cũng được. Và ai bắt tay vào tu cũng thấy rất dễ. Cho nên không ai hỏi mà đức Thích Ca tự nói ra kinh này, Ngài đặc biệt hướng vào ông Xá Lợi Phất, là người đại trí tuệ, mà nói cho nghe. Đủ biết phép này là một phép Liễu Nghĩa Vô Thượng 12 rút ra ở trong các phương tiện liễu nghĩa đệ nhất, và là một phép tối cao viên đốn 13 rút ra ở trong các phép Viên Đốn. Cho nên nói rằng: “Ngọc minh châu bỏ vào nước đục, nước đục tất phải trong. Danh hiệu Phật gieo vào cái tâm rối loạn, tâm rối loạn tất phải thành Phật”.

Cái tâm Tín và Nguyện với cái việc Trì Danh ở kinh này là cái mầm nhân chân thực của đạo Nhất Thừa 14, tức là bốn cõi Tịnh Độ. Gây được nhân thời quả tất phải theo nhân mà mọc ra. Cho nên dùng cái tâm Tín và Nguyện với cái việc Trì Danh làm tôn chỉ chính đáng của bộ kinh này.

Còn tướng trạng của bốn cõi Tịnh Độ, ở bộ Diệu Tông Sao và kinh Phạm Võng Huyền Nghĩa đã nói rất tường tận, ở đây không thể nói hết được. Xuống dưới này, ở chỗ thích nghĩa Y Báo và Chính Báo, tôi sẽ nói lược thêm.

IV. NÓI RÕ LỰC DỤNG CỦA BỘ KINH

Sinh sang Tịnh Độ lên ngôi Bất Thoái là cái điểm lực dụng (dùng sức tu hành) của bộ kinh này.

Sinh sang Tịnh Độ thì có bốn cõi, mỗi cõi đều có 9 phẩm để cho 3 hạng người được sinh sang. Nay hãy nói qua tướng trạng của những người được sinh sang 4 cõi 15.

1) Người nào niệm Phật mà chưa đoạn trừ được Kiến Hoặc 16 và Tư Hoặc 17, những người này chia làm 3 hạng, tùy theo tâm người nào tán loạn hay là tâm yên định, sẽ sinh sang 9 phẩm ở cõi Đồng Cư (cõi này có cả phàm và thánh cùng ở chung với nhau).

2) Người nào niệm Phật đến thời kỳ Sự nhất tâm bất loạn thì Kiến Hoặc và Tư Hoặc tự nó đã tiêu tan hết rồi, sẽ được sinh sang cõi Phương Tiện Hữu Dư (cõi này riêng cho các vị Thanh Văn, Duyên Giác).

3) Người nào niệm Phật đến thời kỳ Lý nhất tâm bất loạn, đã phá tan được từ một phẩm cho đến 41 phẩm vô minh, sẽ được sinh sang cõi Thực Báo Trang Nghiêm, có khi chứng được một phần ở cõi Thường Tịch Quang (cõi này riêng cho Báo Thân Phật và các vị đại Bồ Tát).

4) Người nào niệm Phật đã phá tan hết 42 phẩm Vô Minh thời được sinh lên Thượng Thượng Phẩm ở cõi Thực Báo Trang Nghiêm, hay là ở cõi rốt ráo Thường Tịch Quang (cõi này riêng của Báo Thân Phật và Pháp Thân Phật).

Bất Thoái có bốn nghĩa:

1. Niệm bất thoái.

2. Hạnh bất thoái.

3. Vị bất thoái.

4. Tất cánh bất thoái.

– Lên ngôi Niệm Bất Thoái là người đã phá hết vô minh, đã hiểu rõ Phật tính, đã sinh thẳng sang cõi Thực Báo, hay là cõi Phần Chứng Thường Tịch Quang.

– Lên ngôi Hạnh Bất Thoái là người đã đoạn hết Kiến Hoặc, Tư Hoặc, Trần Sa Hoặc 18 cũng đã phá được, được gửi thể chất vào trong hoa sen, vĩnh viễn dứt hết mọi ác duyên thoái chuyển.

– Lên ngôi Vị Bất Thoái là người mang cả ác nghiệp mà sinh sang cõi Đồng Cư, được gửi thể chất vào trong hoa sen, vĩnh viễn dứt hết mọi ác duyên thoái chuyển.

– Tất cánh Bất Thoái là những người niệm Phật, bất luận là nhất tâm hay tâm tán loạn, hữu tâm hay là vô tâm, hiểu hay là chẳng hiểu, miễn là danh hiệu chư Phật ở sáu phương, hay là cái tên bộ kinh này, một khi đã lọt vào tai rồi, thì dù có lâu đến nghìn vạn kiếp về sau, tất cũng phải có ngày được độ thoát. Người nghe phải danh hiệu Phật lọt vào tai rồi, thì thế nào cũng phải được độ thoát, giống như người nghe phải cái tiếng trống có bôi thuốc độc lọt vào tai rồi thì dù ở gần hay xa, thế nào rồi cũng phải chết (giống ác phải chết), hay là giống như người ăn phải một tí kim cương vào bụng, rồi thì chẳng đời nào tiêu hóa được (mầm thiện vẫn còn).

Lại một sự lạ nữa, là cầu sao được mang cả nghiệp mà đi sinh vào cõi Tịnh Độ Đồng Cư để chứng được Vị Bất Thoái là đã được với các vị Bồ Tát Bổ Xứ cùng ở đấy rồi. Mình cũng được như các vị ấy, chỉ một lần sinh ra ấy là đã được bổ vào ngôi Phật. Nguyên vì, đã được cùng với các vị thượng thiện nhân ấy cùng ở một nơi, thế là được vào cõi Đồng Cư, mà là được sinh tắt qua cả 3 cõi Tịnh Độ ở trên rồi. Chỉ một lần sinh ra ấy mà được bổ làm Phật thế là được lên ngôi Vị Bất Thoái, mà tức là đã chứng được đủ cả ba ngôi Bất Thoái. Trong bộ kinh này, dùng sức tu mạnh được như thế, thì trong ngàn vạn bộ kinh luận khác, chưa từng có một bộ nào nói được như thế (từ xưa đến nay, chưa ai khám phá cái nghĩa này). Đem so sánh với cái mầm chính của phép Đốn Ngộ Thiền tông kia chỉ là một phép đưa dần người tu ra khỏi trần lao, đời này, đời khác sinh ra mà không thoái chuyển, thì mới có hy vọng noi lên ngôi Phật, thực là chẳng thể nào cùng với phép tu Tịnh Độ này cùng nói trong một ngày được (lời nói đanh thép). Các vị sĩ phu trong Thiền tông và trong các Giáo môn, sao không nghĩ đến?

 

V. NÓI VỀ GIÁO TƯỚNG CỦA BỘ KINH

Mỗi giáo pháp của Phật nói ra đều có một tướng trạng riêng, gọi là Giáo tướng. Giáo tướng của bộ kinh này thuộc về loại Đại Thừa Bồ Tát Tạng. Lại là một bộ kinh “không ai hỏi mà tự Phật nói ra”. Kinh này được tấm lòng triệt để Đại Từ của Phật phù trì thêm cho, có năng lực khiến những hữu tình nhiều nghiệp chướng ở đời Mạt Pháp nhờ đấy mà được lên thẳng ngôi Bất Thoái.

Bởi thế mà đến đời sau, đời kinh Pháp của Phật đã diệt hết rồi, chỉ riêng kinh này còn được lưu lại ở đời một trăm năm nữa, để độ cho loài hàm thức 19 được thật nhiều. Thật là một vị thuốc A Dà Đà cứu chữa được vạn bệnh, một bộ kinh tuyệt đối viên dung chẳng khá nghĩ bàn. Những phép tu bí áo trong kinh Hoa Nghiêm (là 10 đại nguyện của đức Phổ Hiền), những phép tu cốt tủy trong kinh Pháp Hoa (là thành Phật), là tâm yếu của hết thảy chư Phật, là kim chỉ nam cho nghìn vạn lối tu của Bồ Tát, đều rút cả vào trong bộ kinh này rồi; muốn tán thán và nói rộng mãi ra thì dầu hết bao nhiêu kiếp cũng chẳng hết, người trí giả phải tự mình nên biết lấy.

Bây giờ bắt đầu vào văn kinh, phải chia làm ba phần:

A. PHẦN TỰA (từ câu: “Như thị ngã văn” đến câu: “Kim hiện tại thuyết pháp”)

B. PHẦN CHÍNH TÔNG (từ câu: “Bỉ độ hà cố danh vi Cực Lạc?” đến câu: “Văn thị thuyết giả, ưng đương phát nguyện sinh bỉ quốc độ”)

C. PHẦN LƯU THÔNG (từ câu: “Như ngã kim giả, tán thán A Di Đà Phật…” cho đến hết.)

Ba phần này gọi Sơ Thiện, Trung Thiện và Hậu Thiện, nghĩa là phần đầu, phần giữa và phần cuối, phần nào cũng hoàn thiện, cũng quan hệ.

Phần Tựa giống như đầu người ta, có đủ ngũ quan.

Phần Chính Tông giống như thân người có đủ lục phủ, ngũ tạng.

Phần Lưu Thông giống như chân tay, vận động, hành vi không ngưng trệ.

Cho nên ngài Trí Giả thích nghĩa kinh Pháp Hoa, ngay phẩm thứ nhất đều cho là phần Tựa. Về sau mười một phẩm rưỡi đều cho là phần Lưu Thông. Lại trong một thời kỳ, hai môn Bản và Tích, mỗi môn chia làm ba đoạn, thế thời từ phẩm Pháp Sư trở xuống 5 phẩm đều là phần Lưu Thông của Tích Môn.

Bởi vì phần Tựa phải là cương lĩnh của cả một bộ kinh, phần Lưu Thông là phần Pháp thí không úng tắc, cả hai phần đều quan hệ rất lớn. Người sau không hiểu nghĩa ấy, thấy văn kinh hơi có chút nghĩa lý liền cho vào phần Chính Tông đến nỗi phần Tựa và phần Lưu Thông chỉ còn một ít sáo cũ. Thế thì sao gọi là phần đầu cũng hoàn thiện và phần cuối hoàn thiện được?

* * *