ngũ trùng duy thức

Phật Quang Đại Từ Điển

(五重唯識) Cũng gọi Ngũ trùng duy thức quán. Năm lớp quán về Duy thức theo thứ tự từ cạn đến sâu, từ thô đến tế do ngài Khuy cơ thuộc tông Pháp tướng sáng lập. Năm lớp quán ấy là: 1. Khiển hư tồn thực thức: Khiển là loại bỏ, tức phủ định. Trong ba tính, Biến kế sở chấp là hư dối, thể và dụng đều không có, cho nên cần loại bỏ(khiển hư); lấy Y tha, Viên thành làm thể tướng và thực tính của các pháp, vì 2 tính này là chân thực, cho nên giữ lại(tồn thực), đồng thời quán 2 tính này là do thức hiển hiện. 2. Xả lạm lưu thuần thức: Bỏ cái tạp nhạp, giữ cái thuần túy. Ở lớp quán thứ 1, sự Y tha và lí Viên thành tuy không lìa thức, nhưng trong thức vẫn còn cảnh khách quan (Tướng phần)và tâm chủ quan(Kiến phần, Tự chứng phần), tâm chỉ có bên trong, cảnh thì thông cả bên ngoài, vì sợ Tướng phần bên trong và cảnh tượng ngoài tâm lẫn lộn, không thể đạt đến chính quán, nên phải bỏ cảnh giữ tâm. 3. Nhiếp mạt qui bản thức: Thu ngọn về gốc. Ở lớp quán thứ 2 tuy đã lìa bỏ cảnh tượng hỗn tạp do tâm và cảnh đối đãi tạo ra, nhưng tâm pháp được giữ lại vẫn có gốc của tự thể thức (Tự chứng phần) và ngọn của tác dụng (Kiến và Tướng phần) khác nhau. Vì ngọn mà lìa gốc thì không tồn tại, cho nên phải thu ngọn về gốc.4. Ẩn liệt hiển thắng thức: Ẩn giấu cái yếu kém, hiển bày cái mạnh mẽ. Tự thể của tâm sở và tâm vương tuy giống nhau ở chỗ Kiến phần và Tướng phần biến hiện làm năng duyên và sở duyên, nhưng tâm sở vốn bị phụ thuộc vào tâm vương nên tác dụng rất yếu kém, vì thế phải ẩn giấu tâm sở yếu kém và hiển bày tâm vương mạnh mẽ.5. Khiển tướng chứng tính thức: Bỏ tướng chứng tính. Ở lớp thứ 4, tuy đã hiển bày tâm vương tồn tại, nhưng tâm vương có Sự và Lí khác nhau(Sự là tướng dụng của Y tha khởi, Lí là tính thể của Viên thành thực), vì thế phải loại bỏ tướng dụng của Y tha mà chứng vào thực tính của Viên thành. Trên đây là nói về tâm vương, nếu đứng trên quan điểm chung mà nhận xét, thì về mặt Sự và Lí của 5 pháp: Tâm vương, tâm sở, sắc pháp, bất tương ứng hành pháp và chân như thì cũng cần bỏ 4 lớp trước mà chứng vào lớp thứ 5. Lại nữa, mục đích mà 5 lớp quán trên đây nhắm tới là nói rõ cái thứ tự ngộ nhập 3 tính, vì thế, nếu lìa 3 tính thì pháp quán không tồn tại. Ngoài ra, lớp thứ 1 là Tổng quán (quán chung), 4 lớp sau là Biệt quán (quán riêng). Bốn lớp trước thuộc về Tướng duy thức, quán thức hiện tượng, là pháp tu của giai vị tiền Kiến đạo; lớp thứ 5 thuộc về Tính duy thức, quán duy thức chân như, là pháp tu của giai vị hậu Kiến đạo.[X. Bát nhã tâm kinh u tán Q.thượng; Đại thừa pháp uyển nghĩa lâm chương Q.1, phần cuối; Thành duy thức luận liễu nghĩa đăng Q.1, phần đầu; Duy thức nghĩa chương Q.1, phần cuối, Q.2, phần đầu; Đại thừapháp tướng tông danh mục Q.5].