ngũ tịnh cư thiên

Phật Quang Đại Từ Điển

(五淨居天) Tịnh cư, Phạm: Zuddhàvàsa. I. Ngũ Tịnh Cư Thiên. Cũng gọi Ngũ bất hoàn thiên, Ngũ tịnh cư xứ, Ngũ na hàm thiên, Ngũ tịnh cư. Chỉ cho 5 tầng trời trong đệ Tứ thiền thuộc cõi Sắc, là nơi sinh đến của các bậc Thánh quả A na hàm. Đó là: 1. Vô phiền thiên (Phạm: Avfha), cũng gọi A duy phan, A bệ lệ xá, A phù ha na. Cõi trời này không còn khổ, vui, tâm và cảnh không giao tiếp, không có tất cả phiền não.2. Vô nhiệt thiên (Phạm: Atapa), cũng gọi A đáp hòa, A đà ba, A đáp ba. Cõi trời này không có tất cả nhiệt não bức bách. 3. Thiện kiến thiên (Phạm: Sudfza), cũng gọi Tu đề xá. Cõi trời này không có các tướng trần cấu, từ trong định tuệ thấy khắp các thế giới trong 10 phương đều tròn đầy ngưng lặng. 4. Thiện hiện thiên (Phạm: Sudarzana), cũng gọi Tu đà thi ni, Tu đề xá na. Cõi trời này có năng lực thấy suốt rõ ràng, tất cả hiện tượng đều không ngăn ngại. 5. Sắc cứu cánh thiên (Phạm: Akaniwỉha), cũng gọi A ca nị tra, A ca ni tra. Cõi trời này không còn hình sắc, là nơi cao nhất, thù thắng nhất trong cõi Sắc. Cứ theo kinh Lăng nghiêm quyển 9, thì 5 tầng trời nói trên đều xếp theo chiều ngang trong cõi trời Tứ thiền, nhưng trời Tứ thiền chỉ có thể nghe tên của 5 tầng trời này, chứ không thấy được, cũng như trong đạo tràng Thánh địa ở thế gian có nhiều La hán cư trụ mà người thường không thấy được. Còn luận Câu xá quyển 24 cho rằng do tu cả 5 phẩm mà được sinh lên các tầng trời Ngũ tịnh cư. Năm phẩm tức chỉ cho 5 phẩm tạp tu Tĩnh lự thứ 4, đó là: 1. Hạ phẩm: Trước hết khởi nhiều niệm vô lậu, kế đến nhiều niệm hữu lậu, sau đó lại khởi nhiều niệm vô lậu, cứ như thế trở đi trở lại, sau giảm dần cho đến 3 tâm hiện tiền thì thành tựu tĩnh lự. 2. Trung phẩm: Tức 6 tâm hiện tiền. 3. Thượng phẩm: Tức 9 tâm hiện tiền. 4. Thượng thắng phẩm: Tức 12 tâm hiện tiền. 5. Thượng cực phẩm: Tứ 15 tâm hiện tiền.Về sức cảm sinh lên cõi trời Ngũ tịnh cư thì luận Câu xá nêu 2 thuyết: 1. Dùng sức vô lậu huân tập hữu lậu mà cảm sinh về cõi Ngũ tịnh cư. 2. Do 5 căn Tín, Tiến, Niệm, Định, Tuệ lần lượt tăng lên mà cảm sinh về cõi Ngũ tịnh cư. Ngoài ra, theo Luận sự (Pàli: Kathàvatthu), thì tuổi thọ của người các tầng trời Ngũ tịnh cư như sau: Trời Vô phiền 1 nghìn kiếp, trời Vô nhiệt 2 nghìn kiếp, trời Thiện kiến 4 nghìn kiếp, trời Thiện hiện 8 nghìn kiếp và trời Sắc cứu cánh 1 vạn kiếp. Còn theo Tứ a hàm mộ sao giải quyển hạ, thì cõi Ngũ tịnh cư vốn chỉ có 3 tầng trời, tức là Tu đề xá (Thiện kiến thiên), Tu đề xá na (Thiện hiện thiên) và Bệ thủ đà (Phạm:Vizuddha, Thanh tịnh thiên). Trong đó, Thanh tịnh thiên lại được chia ra 3 tầng trời: A bệ lệ xá (Vô phiền thiên), A đáp ba (Vô nhiệt thiên) và A ca nị tra (Sắc cứu cánh thiên), mà gọi chung là Ngũ tịnh cư thiên. [X. kinh Trung a hàm Q.9; kinh Trường a hàm Q.20; kinh Khởi thế Q.8; kinh Thủ lăng nghiêm Q.9; luận Dị môn túc Q.14; luận Đại tì bà sa Q.136, 175; luận Thuận chính lí Q.65]. II. Ngũ Tịnh Cư Thiên. Cũng gọi Ngũ tịnh cư chúng, Ngũ thiên tử. Chỉ cho 5 vị tôn ngồi ở phía đông thuộc Ngoại kim cương bộ trên Mạn đồ la Thai tạng giới của Mật giáo. Đó là: 1. Tự tại thiên tử: Phối hợp với trời Sắc cứu cánh. 2. Phổ hoa thiên tử: Phối hợp với trời Thiện kiến. 3. Quang man thiên tử: Phối hợp với trời Thiện hiện. 4. Ý sinh thiên tử, cũng gọi Mãn ý thiên tử. Phối hợp với trời Vô nhiệt. 5. Danh xưng viễn văn thiên tử, cũng gọi Biến âm thanh thiên tử. Phối hợp với trời Vô phiền. [X. phẩm Mật ấn trong kinh Đại nhật Q.4; phẩm Bí mật mạn đồ la kinh Đại nhật Q.5; Quảng đại nghi quĩ Q.trung; Đại nhật kinh sớ Q.5, 13, 16].