Ngũ thức

Từ điển Đạo Uyển


五識; C: wǔshì; J: goshiki; Có các nghĩa sau: I. Năm thức phát sinh do 5 giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, với 5 đối tượng của chúng là: sắc, thanh, hương, vị, xúc, phát sinh các thức là: Nhãn thức (眼識), Nhĩ thức (耳識), Tỉ thức (鼻識), Thiệt thức (舌識), Thân thức (身識). Do các thức nầy được xem là 5 thức đầu trong 6 thức, nên chúng thường được gọi là Tiền ngũ thức (前五識) trong Hán ngữ. Theo giáo lí Du-già hành tông, đây là 5 thức đầu tiên trong Bát thức (八識). Trong Tam giới, chúng sinh ở cõi Dục có đủ 6 thức, ở cảnh giới Đệ nhất thiền của cõi Sắc thì không còn Nhĩ thức và Thiệt thức, khi đến cảnh giới Đệ nhị thiền thiên trở lên thì chỉ còn thức (phân biệt) thứ sáu (theo Câu-xá-luận 倶舎論). II. Năm thức đề cập trong luận Đại thừa khởi tín: 1. Nghiệp thức (業識): phát khởi khi tâm chưa giác ngộ do vô minh; 2. Chuyển thức (轉識): Nghiệp thức trải qua một sự chuyển biến thành thức năng kiến; 3. Hiện thức (現識): Căn cứ vào sự chuyển biến của Nghiệp thức mà thế giới khách quan được biểu hiện; 4. Trí thức (智識): Thức tạo ra những phân biệt sai lầm căn cứ vào sự nhận biết đối tượng trong thế giới khách quan; 5. Tương tục thức (相續識): y cứ vào sự phân biệt sai lầm, các tư tưởng đau khổ, vui thích tương tục không dứt, nên tương tục trong luân hồi.