ngũ thừa

Phật Quang Đại Từ Điển

(五乘) Thừa, Phạm: Yàna. Năm cỗ xe (dụ chỉ pháp môn tu hành) vận chuyển chúng sinh đến thế giới yên vui. Có nhiều thuyết khác nhau. I. Ngũ Thừa. Theo nghĩa thông dụng: 1. Nhân thừa (Phạm: Manuwya-yàna): Dùng 3 qui y và 5 giới làm xe, vận chuyển chúng sinh ra khỏi 3 đường ác mà sinh vào cõi người. 2. Thiên thừa (Phạm: Deva-yàna): Dùng 10 điều thiện, 4 thiền 8 định làm xe, vận chuyển chúng sinh vượt khỏi 4 châu mà sinh lên các cõi trời. 3. Thanh văn thừa (Phạm: Zravakayàna): Dùng pháp môn 4 đế làm xe, vận chuyển chúng sinh vượt qua 3 cõi, đến Niết bàn Hữu dư mà thành A la hán. 4. Duyên giác thừa (Phạm: Pratyekayàna): Dùng pháp môn 12 nhân duyên làm xe, vận chuyển chúng sinh ra khỏi 3 cõi, đến Niết bàn Vô dư mà thành Bích chi phật. 5. Bồ tát thừa (Phạm: Bodhisattvayàna): Dùng pháp môn 6 độ bi trí làm xe, vận chuyển chúng sinh vượt qua cảnh giới của 3 thừa 3 cõi mà đến đại Niết bàn vô thượng bồ đề. [X. Vu lan bồn kinh sớ Q.thượng; Pháp hoa huyền luận Q.7]. II. Ngũ Thừa. Theo kinh Lăng già A bạt đa la bảo quyển 2: 1. Thiên thừa: Dùng pháp môn Thập thiện làm xe, vận chuyển chúng sinh khiến họ sinh lên các tầng trời cõi Dục. 2. Phạm thừa (Phạm: Brahma-yàna): Dùng pháp môn 4 thiền, 4 tâm vô lượng, 4 định vô sắc làm xe, vận chuyển chúng sinh ra khỏi biển sinh tử mà sinh lên các tầng trời cõi Sắc và cõi Vô sắc. 3. Thanh văn thừa: Dùng pháp môn Tứ đế sinh diệt làm xe, vận chuyển chúng sinh ra khỏi 3 cõi. 4. Duyên giác thừa: Dùng pháp môn 12 nhân duyên sinh diệt vô sinh làm xe, vận chuyển chúng sinh ra khỏi 3 cõi. 5. Chư Phật Như lai thừa (Phạm: Buddha-yàna): Dùng các pháp môn: Sáu độ sự lí, 3 quán thứ đệ… chuyên chở chúng sinh cùng đến đại Niết bàn. [X. kinh Nhập lăng già Q.4; Lăng già kinh nghĩa sớ Q.2, phần cuối; Hoa nghiêm ngũ giáo chương Q.1]. III. Ngũ Thừa. Theo tông Hoa nghiêm: 1. Nhất thừa(Phạm:Eka-yàna): Dùng pháp Nhất thừa thực tướng làm xe để đến Niết bàn. 2. Bồ tát thừa: Dùng 6 độ muôn hạnh làm xe để ra khỏi 3 cõi. 3. Duyên giác thừa: Dùng pháp 12 nhân duyên làm xe để vượt ra ngoài 3 cõi. 4. Thanh văn thừa: Dùng pháp môn 4 đế làm xe để vượt thoát 3 cõi. 5. Tiểu thừa (Phạm: Hìna-yàna): Tức Nhân thiên thừa, dùng 5 giới 10 thiện làm xe để ra khỏi 4 đường (địa ngục, ngã quỉ, súc sinh, a tu la). [X. Hoa nghiêm ngũ giáo chương Q.1; Hoa nghiêm ngũ giáo chương nghĩa uyển sớ Q.1; Hoa nghiêm ngũ giáo chương khuông chân sao Q.2]. IV. Ngũ Thừa. Theo kinh Xưng tán Đại thừa công đức: 1. Thanh văn thừa. 2. Độc giác thừa. 3. Vô thượng thừa (Phạm:An-uttarayàna). 4. Chủng chủng thừa (Phạm:Nànàyàna). 5. Nhân thiên thừa (Phạm: Devamanuwya-yàna). Ngũ thừa này do đức Phật tùy theo các loại chúng sinh mà nói ra bằng 1 thứ pháp âm.V. Ngũ Thừa. Theo tông Chân ngôn. Tông này phối hợp 5 đại với 5 thừa mà thành lập riêng 5 thừa thành Phật. Năm thừa này đều là tự thể trong pháp thân của đức Phật Tì lô giá na(Đại nhật Như lai). Đó là: 1. Nhân thừa, tức địa đại, vì loài người đều ở trên mặt đất. 2. Thiên thừa, tức là thủy đại. Nước lấy chữ Vaô làm chủng tử, Vaô có nghĩa lìa nói năng. Nước tùy theo đồ đựng hình dáng vuông hay tròn mà xoay chuyển một cách tự tại, tương ứng với nghĩa tự tại của trời.3. Thanh văn thừa, tức hỏa đại. Vì Thanh văn từ nơi tâm phát hỏa, nên hoại thân diệt trí. Chủng tử của Hỏa thiên là chữ Ra, Ra là chủng tử của Ngữ bồ tát, Thanh văn nương vào lời dạy mà được độ, cho nên được phối với hỏa đại. 4. Duyên giác thừa, tức là phong đại. Chủng tử của phong đại là chữ Ha, Ha nghĩa là nhân duyên. Duyên giác quán 12 nhân duyên, cho nên 2 nghĩa này tương ứng. Lại nữa, sự khai ngộ của Duyên giác là do quán lí duyên khởi vô thường mà chứng ngộ, như từ duyên gió mà quán hoa rơi lá rụng liền thể ngộ lí vô thường, vì thế phối hợp Duyên giác với phong đại. 5. Bồ tát thừa, tức là không đại. Vì Bồ tát quán nhân không và pháp không. [X. Bí tạng kí Q.cuối; Bí tạng kí sao Q.10]. VI. Ngũ Thừa. Theo tông Tịnh độ: 1. Nhân thừa. 2. Thiên thừa. 3. Thanh văn thừa. 4. Duyên giác thừa. 5. Bồ tát thừa. Năm thừa này đều nhờ sức bản nguyện rộng lớn của đức Phật A di đà mà được sinh về Tịnh độ phương Tây, gọi là Ngũ thừa tề nhập. VII. Ngũ Thừa. Theo tông Thiên thai: Ngũ thừa là: Nhân thừa, Thiên thừa, Thanh văn Duyên giác thừa, Bồ tát thừa và Phật thừa. Tóm lại, pháp thế gian dạy dỗ, dắt dẫn chúng sinh vào cõi người cõi trời, gọi là Thế gian thừa; pháp môn giáo hóa, vận chuyển chúng sinh đến các quả vị Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát… để vượt ra khỏi cõi mê sinh tử, gọi là Xuất thế gian thừa. Ngoài ra, còn có các thuyết Tứ thừa như sau:1. Thanh văn thừa, Duyên giác thừa, Bồ tát thừa và Phật thừa. 2. Nhân thiên thừa, Tiểu thừa, Tam thừa và Nhất thừa. 3. Nhân thừa, Thanh văn thừa, Duyên giác thừa và Bồ tát thừa. 4. Nhân thừa, Thiên thừa, Thanh văn thừa và Bồ tát thừa. Về trí quán của 4 thừa: Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát và Phật thì được phân biệt như sau: Hạ quán trí, Trung quán trí, Thượng quán trí và Thượng thượng quán trí, gọi là Tứ thừa quán trí.