ngũ thông bồ tát

Phật Quang Đại Từ Điển

(五通菩薩) Người đầu tiên lưu truyền bức tranh vẽ hình tượng đức Phật A di đà. Cứ theo Tập thần châu Tam bảo cảm thông lục quyển trung của ngài Đạo tuyên, thì bồ tát Ngũ thông ở chùa Kê đầu ma xứ Thiên trúc(Ấn độ)từng đến thế giới An lạc cầu thỉnh hình tượng Phật A di đà, để làm lợi ích cho chúng sinh ở cõi Sa bà nguyện sinh về Tịnh độ. Đức Phật A di đà hứa khả, nên có sự lưu truyền hình tượng Di đà và 50 vị Bồ tát. (xt. A Di Đà Ngũ Thập Bồ Tát Tượng). NGŨ THÔNG THẦN Tục gọi: Ngũ thánh. Tên vị thần dâm tà trong truyền thuyết dân gian Trung quốc thời cổ đại, hay làm cho người ta mê mẩn; vốn là 5 anh em, đã được thờ cúng từ cuối đời Đường, miếu hiệu là Ngũ thông. Trong bài minh Đại qui hư hựu sư của Trịnh ngu đời Đường có những từ ngữ: Ngưu A Bàng, Quỉ Ngũ Thông. Có thuyết nói rằng vua Thái tổ nhà Minh lúc mới định thiên hạ, nằm mơ thấy các binh lính chết trận đến xin cứu giúp, vua bèn cho phép 5 người lập thành 1 ngũ được hưởng đồ huyết thực ở các nơi và ra lệnh cho người ở Giang nam, mỗi nhà lập 1 miếu nhỏ cao 5 thước, tục gọi là Ngũ thánh đường để thờ cúng. Khoảng năm Khang hi (1662-1722) đời Thanh, Tuần phủ Giang ninh là Thang bân, từng cho phá hủy các miếu này, nhưng vẫn chưa phá hết. [X. Lưu thanh nhật trát; Cai dư tùng khảo Q.35]. NGŨ THỜI BÁT GIÁO Năm thời tám giáo do ngài Trí khải tông Thiên thai thành lập. Đại sư Trí khải căn cứ vào nội dung các kinh điển do đức Phật nói để phân loại, giải thích, rồi theo thứ tự thời gian đức Phật thuyết pháp mà chia làm 5 thời. Lại căn cứ theo phương pháp đức Phật dắt dẫn chúng sinh mà chia giáo pháp của Ngài làm 8 giáo, gọi chung là Ngũ thời bát giáo. I. Ngũ Thời. 1. Thời Hoa nghiêm: Đức Phật nói kinh Hoa nghiêm trong 21 ngày đầu tiên sau khi Ngài thành đạo. Nội dung thuyết pháp ở thời kì này, chính là Viên giáo, phụ là Biệt giáo, mà đối tượng thuyết pháp là chúng Đại bồ tát Biệt giáo và các vị ưu tú trong Viên giáo. Nói theo ý nghĩa giáo hóa của đức Phật, thì thời kì này là Ngài dự định thử nghiệm xem Phật tuệ tự nội chứng của Ngài có thích hợp với căn cơ của chúng sinh hay không, cho nên thời kì này được gọi là Nghĩ nghi thời………. Nói theo thứ tự giáo pháp thì tương đương với Nhũ vị (vị sữa) đầu tiên được vắt ra từ thân bò. Kinh Hoa nghiêm có chia ra phần trước và phần sau khác nhau. Phần trước là giáo pháp nói trong 21 ngày đầu, không có hàng Thanh văn tham dự; phần sau như phẩm Nhập pháp giới thì có các vị đại Thanh văn như ngài Xá lợi phất… Nhưng giáo pháp của thời kì này quá cao, hàng Thanh văn đều như điếc như câm nên chưa thể nhận lãnh được hiệu quả lợi ích của sự giáo hóa. 2. Thời Lộc uyển: Trong khoảng 12 năm sau khi đức Phật nói kinh Hoa nghiêm, là thời kì Phật nói 4 bộ kinh A hàm Tiểu thừa ở 16 nước lớn. Vì nơi nói pháp đầu tiên trong thời kì này là vườn Lộc dã, nên gọi là thời Lộc uyển(thời vườn Nai), lại lấy tên kinh đã nói nên cũng gọi là thời A hàm. Giáo pháp nói trong thời kì này tương đối thấp, chỉ là giáo phápTiểu thừa(tức 3 tạng giáo). Nói theo ý nghĩa giáo hóa thì vì thời kì này lấy những người có căn cơ tương đối thấp kém làm đối tượng để dẫn dụ, nên gọi là thời Dụ dẫn, nói theo thứ tự giáo pháp thì thời kì này ví dụ như Lạc vị (váng sữa).3. Thời Phương đẳng: Thời kì Phật nói các kinh Đại thừa như Duy ma, Tư ích, Thắng man… trong khoảng 8 năm sau thời Lộc uyển. Giáo pháp của thời này gồm cả 4 giáo Tạng, Thông, Biệt, Viên, đả phá thiên kiến của thời thứ 2 cho rằng sự thâm chứng của Phật và thiển chứng của Tiểu thừa là giống nhau. Trong đó bao hàm ý nghĩa chê bai Tiểu thừa, khen ngợi Đại thừa, quở trách Thiên giáo, tán dương Viên giáo, muốn cho hàng Thanh văn sinh tâm chán Tiểu thừa, mến Đại thừa. Nếu nói theo ý nghĩa giáo hóa của đức Phật, thì thời kì này gọi là thời Đàn ha……(quở trách Tiểu thừa); nói theo thứ tự giáo pháp thì thời này ví dụ là Sinh tô vị (sữa đặc). Lại Phương đẳng là danh từ gọi chung các kinh Đại thừa, mà thời kì này là thời kì đầu tiên nói kinh Đại thừa, cho nên cũng gọi là thời Phương đẳng. 4. Thời Bát nhã: Chỉ cho thời kì Phật nói các kinh Bát nhã, trong khoảng 22 năm sau thời Phương đẳng. Giáo pháp nói trong thời kì này là Thông giáo, Biệt giáo và Viên giáo. Nói theo ý nghĩa giáo hóa của Phật, thời kì này là thời gạn bỏ các thiên chấp phân biệt Đại thừa, Tiểu thừa, nói các pháp đều Không, dung hợp Đại, Tiểu thừa vào 1 vị, nên gọi là thời Đào thải……; nói theo thứ tự giáo pháp thì ví dụ cho vị Thục tô (bơ). Thời này đức Phật nói cho ngài Tu bồ đề(thuộc hàng Thanh văn) về lí Bát bát khiến ngài ngưỡng mộ Đại thừa; vả lại, thời kì này là từ Nhị thừa tiến dần đến lí Không của Đại thừa nên gọi là Bát nhã chuyển giáo. Vì thời này có thể trừ bỏ sự phân biệt về mặt giáo pháp nên cũng gọi là Pháp khai hội. Trong đó, ngoài việc thuyết minh lí Không tiêu cực của Thông giáo(tức Bát nhã chung cho cả 3 thừa), còn nói rõ về lí trung đạo bất không tích cực của Biệt giáo và Viên giáo(tức là Bát nhã của Bồ tát). 5. Thời Pháp hoa Niết bàn: Chỉ cho thời kì làm cho người nghe pháp tiến đến cảnh giới cao nhất và chứng nhập tri kiến Phật. Đây là thời kì đức Phật nói kinh Pháp hoa trong khoảng 8 năm sau cùng và nói kinh Niết bàn 1 ngày 1 đêm trước khi Ngài nhập diệt. Giáo pháp nói trong thời kì này thuần là Viên giáo, tứclàhội thông các giáo pháp phương tiện của 4 thời trước, đồng thời mở ra Viên giáo chân thực sáng tỏ tròn đầy. Nói theo ý nghĩa giáo hóa của đức Phật thì giáo pháp ở thời kì này không chỉ dừng lại ở mặt lí luận pháp khai hội mà thực tếcònlàm cho tất cả mọi người đều chứng nhập nhân khai hội. Nói theo thứ tự giáo pháp thì thời kì này ví dụ cho vị Đề hồ (phó mát). Mối quan hệ giữa kinh Pháp hoa và kinh Niết bàn là ở chỗ làm sáng tỏ lí rốt ráo chỉ có một Phật thừa. Kinh Pháp hoa thuộc về hậu giáo hậu vị trong 5 vị tiền phiên là mở ra hội Nhị thừa trong khoảng từ thời Hoa nghiêm trở về sau cho đến kinh Pháp hoa, mục đích là hoàn thành việc nhập Phật tri kiến (Đại thu giáo :Thu hết mọi người). Còn kinh Niết bàn thì đối với những người có năng lực mà kinh Pháp hoa bỏ sót, dõi theo lại cả 4 giáo Tạng, Thông, Biệt, Viên, nói về Phật tính thường trụ, về phù trì giới luật, khiến tất cả đều thành Phật; vì thế kinh Niết bàn là hậu giáo hậu vị trong 5 vị hậu phiên, cũng gọi Hậu giáo Niết bàn kinh (Quấn thập giáo :Giáo nhặt nhạnh, tức thu hết những người còn sót lại). Năm thời còn được chia ra Thông và Biệt. Thông ngũ thời là trong mỗi thời kì tùy theo năng lực của người nghe mà nói pháp thích hợp, khiến mỗi người đạt lợi ích khác nhau về giáo pháp, để hiển bày sự dung thông của giáo pháp. Còn Biệt ngũ thời tức là y theo thứ tự đem phương pháp giáo hóa chúng sinh của đức Phật chia làm 5 thời kì để nói rõ về thứ tự thuyết pháp. Ngoài ra, về số năm thuyết pháp của 5 thời có nhiều thuyết khác nhau, vả lại 5 thời này có nên theo thời gian mà phân chia, hoặc theo lí luận mà phân loại hay không, thì từ xưa đến nay đã thành vấn đề tranh luận. II. Bát Giáo. Gồm 4 giáo hóa nghi, tức là 4 hình thức và nghi tắc được đức Phật sử dụng để giáo hóa chúng sinh cùng 4 giáo hóa pháp, tức là nội dung giáo pháp mà đức Phật dùng để giáo hóa chúng sinh. A. Bốn Giáo Hóa Nghi. 1. Đốn giáo: Đầu tiên, đức Phật trực tiếp dùng phương pháp tự nội chứng để chỉ dạy chúng sinh, tương đương với thời kinh Hoa nghiêm đã nói. 2. Tiệm giáo: Nội dung của việc giáo hóa là dùng những giáo pháp từ cạn dần dần (tiệm) đến sâu, tương đương với 3 thời: A hàm, Phương đẳng, Bát nhã. 3. Bí mật giáo: Đức Phật ứng theo căn cơ, năng lực, bản chất bất đồng của chúng sinh mà truyền dạy các giáo pháp khác nhau, khiến cho người kia người này không biết lẫn nhau. 4. Bất định giáo: Chúng sinh tuy cùng tham dự 1 pháp hội nhưng tùy theo năng lực, trình độ của mỗi người mà hiểu giáo pháp khác nhau. Trong đó, điểm giống nhau giữa Bí mật giáo và Bất định giáo là Đồng thính dị văn, tức là cùng ngồi nghe pháp trong 1 hội mà pháp được nghe đều khác nhau, nhưng Bí mật giáo thì mọi người đều không biết nhau về sự sai biệt của lợi ích, đó là nhân pháp đều không biết; còn Bất định giáo thì mọi người biết rõ nhau về sự sai biệt của lợi ích, đó là nhân biết, pháp không biết. Bất định giáo nghĩa là giáo pháp mà mọi người thể ngộ không nhất định, vì thế, nói một cách chặt chẽ, thì Bí mật giáo nói trên lẽ ra phải được gọi là Bí mật bất định giáo, mà Bất định giáo thì phải được gọi là Hiển lộ bất định giáo. Còn Đốn giáo và Tiệm giáo là những giáo công khai nên gọi đó Hiển lộ định giáo. B. Bốn Giáo Hóa Pháp. 1. Tam tạng giáo, gọi tắt: Tạng giáo. Giáo pháp Tiểu thừa. Tức nói kinh A hàm của hàng Tam thừa để nêu tỏ lí Đãn không, đồng thời từ Tích không quán (Chuyết độ quán) mà vào lí Niết bàn vô dư. Bồ tát của Tam tạng giáo này đã chế phục được Kiến hoặc và Tư hoặc, nhưng chưa dứt hết phiền não, vì giáo hóa chúng sinh, phải trải qua khoảng thời gian dài 2 A tăng kì kiếp thực hành nhân hạnh đi đến chứng ngộ, cho nên gọi là Phục hoặc hành nhân (tu nhân chế phục phiền não). 2. Thông giáo: Vì giáo này là giáo môn đầu tiên của Đại thừa chung cho Thanh văn, Duyên giác và Bồ tát nên gọi là Thông giáo. Tức là giáo từ lí như huyễn tức không mà quán thể không quán(cũng gọi Xảo độ quán). Người độn căn trong hàng Bồ tát của giáo này, chỉ có thể hiểu được giáo lí tương đối nông cạn, cùng với Bồ tát của Tạng giáo cùng chứng quả Bồ đề. Bồ tát thắng căn thì có thể lãnh ngộ được lí trung đạo sâu kín mầu nhiệm, cuối cùng vào được 2 giáo Biệt và Viên. Cứ như thế từ Thông giáo tiến dần đến Biệt giáo, gọi là Biệt tiếp Thông (hoặc Biệt nhập Thông); từ Thông giáo tiến dần đến Viên giáo, gọi là Viên tiếp Thông (hoặc Viên nhập Thông). Đồng thời, Bồ tát Thông giáo vì học tập giáo pháp của Biệt giáo mà dùng danh mục tu hành của Biệt giáo để biểu thị giai vị của Thông giáo thì gọi là Danh Biệt nghĩa Thông (tên thuộc Biệt giáo, nghĩa thuộc Thông giáo). 3. Biệt giáo: Biệt có 2 nghĩa là không chung và cách biệt. Tức là không chung cho 2 thừa mà chỉ nói riêng cho Bồ tát, lại từ phương diện sai biệt (cách biệt) mà quán xét các pháp, vì thế gọi Biệt giáo. Giáo này lần lượt quán 3 đế Không, Giả, Trung để ngộ lí Trung đạo, nhưng vì Trung đạo này khác với Không, Giả nên gọi là lí Đãn trung (nghĩa là ngoài quán Không, Giả ra còn có cái Trung độc lập). Pháp quán này gọi là Thứ đệ tam quán, hoặc gọi là Cách lịch tam quán. Bồ tát Biệt giáo đến Sơ địa ngộ lí Trung đạo thì đồng với Bồ tát Viên giáo, nhưng dưới Sơ địa thì từ lí Đãn trung thể ngộ lí Bất đãn trung (Không, Giả chẳng lìa Trung) bao hàm trong đó; tức là từ khoảng Thập trụ đến Thập hồi hướng, có người từ Biệt giáo tiến dần đến Viên giáo, đây gọi là Viên tiếp Biệt (hoặc gọi là Viên nhập Biệt). Biệt tiếp Thông, Viên tiếp Thông và Viên tiếp Biệt được gọi chung là Tam bị tiếp. Bị tiếp có nghĩa là trong khi quán xét thực lí, thể ngộ được ý sâu xa trong ấy, từ đó lại tiếp tục tiến dần lên giáo pháp cao hơn nữa. Ba giáo nói trên, về phương diện lí luận, đều có thể thông đến Phật quả, nhưng trong thực tế, hành giả ngay khi ở trong nhân đã Bị tiếp đến nỗi không ai có thể đạt đến giai vị đoạn hoặc của Tam tạng giáo, giai vị Bồ tát Bát địa trở lên cho đến giai vị Bồ tát Sơ địa trở lên của Biệt giáo, cho nên gọi là Hữu giáo vô nhân (có giáo pháp mà không có người thực chứng) hoặc gọi là Quả đầu vô nhân. 4. Viên giáo: Viên nghĩa là không thiên lệch, tròn đủ dung hợp lẫn nhau. Tức bất luận mê hay ngộ, về mặt bản thể đều không phân biệt. Đó là chân lí mà Phật đã giác ngộ, cho nên Viên giáo chỉ rõ sở ngộ của Phật, tức là nêu bày giáo pháp tự nội chứng của Ngài. Viên giáo quán 3 đế Không, Giả, Trung, trong 1 đế bao gồm 2 đế kia, vì thế, lí Trung đạo này gọi là lí Bất đãn trung. Bồ tát Viên giáo dùng 1 tâm mà quán 3 quán Không, Giả, Trung, cho nên 3 quán này gọi là Nhất tâm tam quán, hoặc gọi là Bất thứ đệ tam quán, Viên dung tam quán. Trong 4 giáo trình bày ở trên, Tạng giáo và Thông giáo là Giáo chứng câu quyền (giáo pháp và chứng ngộ đều là phương tiện chứ không phải chân thực); Biệt giáo là Giáo quyền chứng thực (giáo pháp là phương tiện mà chứng ngộ là chân thực); còn Viên giáo là Giáo chứng câu thực (giáo pháp và chứng ngộ đều là chân thực). Nếu đem 4 giáo này phối hợp với 5 thời thì thời Hoa nghiêm thứ 1 chính thức nói Viên giáo kèm theo Biệt giáo (Kiêm), thời Lộc uyển thứ 2 chỉ nói Tam tạng giáo (Đãn), thời Phương đẳng thứ 3 thì nói 4 giáo đối ứng với căn cơ (Đối), thời Bát nhã thứ 4 thì chính thức nói Viên giáo kèm thêm 2 giáo Thông, Biệt (Đới); trong thời Pháp hoa Niết bàn thứ 5 thì Pháp hoa là thuần viên, truy thuyết kinh Niết bàn là đồng thời nói 4 giáo, truy mẫn thì là thuần Viên giáo. Đồng thời, Viên của Pháp hoa và Viên của 4 thời trước tuy là cùng 1 giáo nghĩa, nhưng luận về tác dụng thì có sự hơn, kém khác nhau; nghĩa là Viên của kinh Pháp hoa là thuần viên độc diệu, có tác dụng siêu việt cái Viên của 4 thời trước. Do đó, kinh Pháp hoa là giáo pháp tối thắng vượt ngoài 4 giáo, hơn 8 đề hồ, cũng tức là vượt ngoài 8 giáo hóa nghi, hóa pháp mà trở thành giáo pháp Đề hồ tối thượng diệu vị. [X. Pháp hoa huyền nghĩa Q.1, 10; Tứ giáo nghĩa Q.6; Pháp hoa kinh văn cú Q.6, phần cuối; Duy ma kinh huyền sớ Q.6; Ma ha chỉ quán Q.5, phần cuối; Thiên thai bát giáo đại ý; Học Thiên thai tông pháp môn đại ý; Thiên thai tứ giáo nghi; Thiên thai tứ giáo nghi tập chú Q.thượng; Thiên thai tứ giáo nghi tập giải Q.thượng; Thiên thai tứ giáo nghi bị thích Q.thượng]. (xt. Tam Chiếu, Ngũ Vị).