Ngũ thời

Từ điển Đạo Uyển


五時; C: wǔshí; J: goji; Năm thời thuyết giáo. Sự phân chia các giai đoạn Phật Thích-ca Mâu-ni tùy căn cơ mà dùng nhiều phương thức giảng dạy giáo pháp cho chúng sinh, từ khi ngài thành đạo cho đến khi nhập niết-bàn. Mặc dù có nhiều lí thuyết khác nhau về sự sắp xếp nầy, tất cả đều xuất phát từ căn nguyên giải thích của sư Huệ Quán (慧觀) vào thế kỉ thứ 5. A. Huệ Quán chủ trương phân chia giáo pháp thành Đốn giáo và Tiệm giáo; lại phân chia Tiệm giáo thành 5 thời: 1. Tam thừa biệt giáo: (như kinh A-hàm, v.v…); 2. Tam thừa thông giáo (như kinh Bát-nhã; s: prajñāpāramitā-sūtra, v.v…); 3. Ức dương giáo (như kinh Duy-ma-cật, v.v…); 4. Đồng quy giáo (kinh Hoa Nghiêm, v.v…); 5. Thường Trụ giáo (kinh Niết-bàn,v.v…). Đây là cách phân loại giáo pháp của Niết-bàn tông. B. Theo giáo lí tông Hoa Nghiêm của Lưu Cầu (劉虬), Đốn giáo và Tiệm giáo trong kinh Hoa Nghiêm được chia thành 5 giáo pháp sau: 1. Nhân Thiên giáo; 2. Hữu tướng giáo (kinh A-hàm và những kinh công nhận các pháp có tự thể riêng biệt); 3. Vô tướng giáo (giáo lí Bát-nhã Ba-la-mật-đa, v.v…, phủ nhận các pháp tồn tại với tự thể riêng biệt); 4. Đồng quy giáo (như kinh Pháp Hoa, v.v…); 5. Thường trụ giáo (kinh Niết-bàn, v.v…). C. Trí Khải có thay đổi chút ít so với phán giáo của Lưu Cầu. Theo giáo lí tông Thiên Thai, năm thời giáo là: 1. Thời kì Hoa Nghiêm: sau khi đức Phật thành đạo, ngài giảng kinh Hoa Nghiêm trong vòng 21 ngày cho hàng Bồ Tát. Đây là giáo pháp dành cho hàng căn cơ lanh lợi, theo giáo pháp nầy, các hàng Bồ Tát như thế có thể trực ngộ nhanh chóng lí chân như. 2. Thời kì Lộc Uyển: Sau khi đức Phật giảng kinh Hoa Nghiêm, những người có căn cơ thấp không thể hiểu nổi; thế nên ngài chuyển sang giáo pháp phương tiện nầy để hướng dẫn cho chúng sinh được lợi lạc. Nên đức Phật nói pháp cho hàng cho háng căn cơ thấp tại vườn Lộc Uyển gần thành Ba-la-nại. Thời kì này là 12 năm, kinh điển khai triển trong thời kì nầy là kinh A-hàm, nên giáo pháp thời nầy được gọi là thời A-hàm; 3. Thời Phương đẳng (s: vaipulya, sơ khởi Đại thừa). Vì căn cơ chúng sinh thời đó đang đắm chấp vào giáo lí Tiểu thừa nên bây giờ đức Phật giảng pháp Đại thừa như kinh Duy-ma-cật, kinh Kim Quang Minh, và kinh Thắng Man, truyền bá rộng rãi Tạng giáo, Thông giáo, Biệt giáo và Viên giáo. Giáo pháp nầy nhằm đưa chúng sinh từ đắm chấp Tiểu thừa sang Đại thừa. Thời kì nầy kéo dài 8 năm; 4. Thời Bát-nhã: Thời kì nầy Đức Phật giảng kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa suốt 22 năm để giác ngộ cho chúng sinh về lí Tính không; 5. Thời Pháp Hoa, Niết-bàn: Đức Phật nói rõ mục tiêu tối hậu của giáo lí Tiểu thừa và Đại thừa đều là giải thoát như nhau. Nên giáo pháp nầy còn gọi là Nhất thừa giáo, khẳng định sự hiện hữu của Phật tính trong mỗi chúng sinh.