Ngũ thời bát giáo

Từ điển Đạo Uyển


五時八教; C: wǔshí bājiāo; Hệ thống giáo pháp theo giải thích của Trí Khải. Thứ tự thời gian Đức Phật giảng pháp được chia thành 5 thời kì (Ngũ giáo). Phương pháp Đức Phật dùng để giáo hoá cũng được phân thành 4 loại (giáo hoá nghi), và nội dung của giáo pháp được chia thành 4 phạm trù (giáo hoá pháp). A. Bốn giáo hoá nghi là: 1. Đốn giáo: giáo lí chỉ dạy chúng sinh giác ngộ ngay Phật tính nơi chính mình; 2. Tiệm giáo: giáo lí dẫn đắt chúng sinh giác ngộ qua nhận thức từ cạn đến sâu; 3. Bí mật giáo: giáo lí chúng sinh được truyền thụ bí mật tương ứng với căn cơ riêng mình mà người khác không hay biết; 4. Bất định giáo: dành cho chúng sinh tuy cùng nghe kinh trong một pháp hội, nhưng tùy theo căn tính riêng mỗi người màcó sự thể nhập giáo pháp khác nhau. Thêm nữa, giáo pháp “phi đốn phi tiệm, phi mật phi hiển” còn được gọi là giáo pháp “Pháp Hoa và Niết-bàn.” B. Bốn giáo hoá pháp: 1. Giáo pháp Tiểu thừa hay Tam tạng giáo; 2. Thông giáo: Đây là giáo lí Đại thừa gồm các kinh Phương đẳng, Bát-nhã Ba-la-mật-đa, Pháp Hoa và Niết-bàn, dành cho hàng Thanh văn, Duyên giác và Bồ Tát; 3. Biệt giáo: đây là giáo lí dành riêng cho hàng Bồ Tát. Hành giả tu tập theo giáo pháp nầy biết rõ có sự nhấn mạnh vào lí Trung đạo để thể hội lí Tính không và tự thể của các pháp. Giáo lí của tông Hoa Nghiêm thuộc dạng nầy; 4. Viên giáo: Chủ trương giác và mê không khác nhau trong thể tính. Viên giáo siêu việt và viên dung tất cả các pháp, đây chính là giáo pháp giác ngộ chân thật của Đức Phật. Viên giáo thật sự bao gồm tất các giáo pháp khác, được kinh Pháp Hoa xiển dương một cách trọn vẹn nhất.