ngũ thiên thượng mạn

Phật Quang Đại Từ Điển

(五千上慢) Cũng gọi Ngũ thiên khởi khứ. Năm nghìn vị đệ tử mang lòng tăng thượng mạn. Khi đức Thế tôn bắt đầu giảng kinh Pháp hoa thì trong hội tọa có 5 nghìn vị tỉ khưu, tỉ khưu ni, ưu bà tắc, ưu bà di ôm lòng tăng thượng mạn, chưa nghe đức Phật giảng rộng về pháp môn Khai tam hiển nhất thì đã đứng dậy đi ra, gọi là Ngũ thiên thượng mạn. Theo Pháp hoa văn cú quyển 4, phần đầu giải thích, thì sở dĩ 5 nghìn vị đệ tử này chưa nghe Phật nói mà đã bỏ đi là vì họ mắc 3 cái lỗi: Chướng, Chấp và Mạn. Chướng là trong đời 5 trược ác có rất nhiều chướng ngại; Chấp là họ chấp Tiểu thừa, chê Đại thừa; Mạn là chưa chứng mà nói đã chứng. Họ chưa nghe đức Phật nói về Khai tam hiển nhất thì vẫn chưa sinh tâm hủy báng, còn tạo thành nhân duyên hạt châu, cho nên họ bỏ đi là có lợi. Nhưng, nếu họ ở lại mà nghe đức Phật giảng rộng về pháp môn Khai tam hiển nhất, họ sẽ cảm thấy trái ý mà sinh lòng hủy báng, thì như thế sẽ tự chướng ngại và chướng ngại người khác, điều đó có hại cho chính họ, cho nên đức Phật đã không ngăn cản, cứ để họ bỏ đi. [X. phẩm Phương tiện kinh Pháp hoa Q.1; Pháp hoa kinh huyền nghĩa Q.10, phần cuối; Pháp hoa huyền nghĩa thích tiêm Q.10, phần cuối].