ngũ thể đầu địa

Phật Quang Đại Từ Điển

(五體投地) Cũng gọi Ngũ luân đầu địa, Đầu địa lễ, Tiếp túc lễ, Đầu diện lễ, Đính lễ. Năm vóc gieo sát đất. Cứ theo Đại đường tây vực kí quyển 2, thì phép lễ của Ấn độ có 9 cách mà gieo 5 vóc(đầu, 2 tay và 2 gối)xuống đất là cách lễ thứ 9, cũng là cách lễ thành kính nhất trong 9 cách lễ. Về sau, Phật giáo cũng dùng cách lễ này để bày tỏ lòng tôn kính cao nhất. Cách lễ này là: Trước hết quì gối bên phải sát đất, kế đến là gối bên trái, rồi đến 2 khuỷu tay đặt sát đất, 2 bàn tay ngửa ra duỗi thẳng quá trán, sau cùng là đỉnh đầu đặt sát đất, hồi lâu như thế gọi là 1 lễ.Cứ theo Hoa nghiêm kinh tùy sớ diễn nghĩa sao, khi lễ kính Tam bảo thì 5 thể phải gieo xuống đất để chiết phục sự kiêu mạn và tỏ lòng thành kính. Năm ý nghĩa về sự gieo 5 vóc xuống đất của người lễ như sau: 1. Khi gối bên phải sát đất, nguyện cho chúng sinh được đạo chính giác. 2. Khi gối bên trái sát đất, nguyện cho chúng sinh không khởi tà kiến ngoại đạo, tất cả đều an trụ trong đạo chính giác. 3. Khi tay phải sát đất, nguyện như Thề tôn ngồi tòa kim cương, đại địa rúng động, hiện bày tướng lành, chứng nhập đại Bồ đề. 4. Khi tay trái sát đất, nguyện cho chúng sinh xa lìa ngoại đạo, dùng 4 nhiếp pháp thu phục những người ương ngạnh, khiến họ vào chính đạo. 5. Khi đỉnh đầu sát đất, nguyện cho chúng sinh lìa tâm kiêu mạn, đều được thành tựu đính tướng Vô kiến. [X. kinh Quán vô lượng thọ; kinh Li cấu tuệ bồ tát sở vấn lễ Phật pháp; Quán vô lượng thọ Phật kinh sớ (Trí khải); Thích môn qui kính nghi Q.hạ; Tứ phần luật san phồn bổ khuyết hành sự sao Q.hạ, phần 3; Pháp uyển châu lâm Q.20; Thích thị yếu lãm Q.trung]. (xt. Khể Thủ, Lễ).