ngũ sơn văn học

Phật Quang Đại Từ Điển

(五山文學) Tên một văn phái trong văn học của Nhật bản lấy Ngũ sơn làm trung tâm. Phái văn học này bắt đầu hoạt động vào cuối thời Liêm thương khi ngài Nhất sơn Nhất ninh đến Nhật bản, qua thời Thất đinh thì nổi tiếng trên văn đàn. Vào thời đại Liêm thương, tông Lâm tế du nhập Nhật bản, được 2 họ Bắc điều và Túc lợi ủng hộ, xây cất các chùa viện lớn, các bậc danh tăng Trung quốc đến Nhật bản và các bậc cao tăng Nhật bản đến Trung quốc không dứt, đã tạo thành 1 thời đại tiêu biểu cho văn học. Các thi nhân văn sĩ Ngũ sơn rất yêu thích thơ Bạch lạc thiên, nhưng sau chuyển sang ái mộ thơ Tô đông pha và Hoàng sơn cốc; văn thể cũng từ lối văn biền ngẫu chuyển sang cổ thể của Hàn dũ và Liễu tôn nguyên. Đồng thời, Lí học và hội họa đời Tống cũng được truyền vào và đã có ảnh hưởng rất lớn đối với Nhật bản sau này.Niên hiệu Chính an năm đầu (1299), ngài Nhất sơn Nhất ninh từ Trung quốc đến Nhật bản, các vị đệ tử ưu tú của ngài gồm có: Hổ quan Sư luyện, Tuyết thôn Hữu mai, Trung nghiêm Viên nguyệt, Mộng song Sơ thạch…, rồi học trò của Mộng song Sơ thạch thì có: Xuân ốc Diệu ba, Long thu Chu trạch, Nghĩa đường Chu tín, Tuyệt hải Trung tân, Cổ kiếm Diệu khoái v.v… tất cả đã góp phần làm nên thời đại hoàng kim cho nền văn học Ngũ sơn ở thời Nam Bắc triều của Nhật bản, đến thời Thất đinh thì dần dần suy vi. Song thời đại Thất đinh thì có: Duy tiếu Đắc nham, Giang tây Long phái, Thái bạch Chân huyền và Tâm điền Thanh bá được gọi chung là Tứ tuyệt. Các nhà văn thì có: Hoành xuyên Cảnh tam, Cảnh từ Chu lân, Ngạn long Chu hưng, Sách ngạn Chu lương… là nổi tiếng hơn cả. Sau, các vị Thiền sư trên đây, vì nhận lời thỉnh cầu đi khắp nơi giảng kinh thuyết pháp, nên lại đặt cơ sở cho nền Hán học bột phát ở thời đại Giang hộ. [X. Ngũ sơn văn học tiểu sử].