ngũ sơn thập sát

Phật Quang Đại Từ Điển

(五山十刹) Cũng gọi Ngũ nhạc thập sát. Năm ngôi tự viện bậc nhất và 10 ngôi tự viện bậc nhì trong các ngôi chùa do triều đình qui định ở Trung quốc và Nhật bản. I. Ngũ sơn Thập sát của Trung quốc. Thuộc Thiền tông, được qui định vào thời vua Ninh tông nhà Nam Tống. A. Ngũ Sơn: 1. Chùa Hưng thánh vạn thọ thiền, ở núi Kính sơn, huyện Hàng, tỉnh Chiết giang. 2. Chùa Cảnh phúc linh ẩn ở núi Linh ẩn, huyện Hàng, tỉnh Chiết giang. 3. Chùa Tịnh từ ở núi Nam bình, huyện Hàng, tỉnh Chiết giang. 4. Chùa Cảnh đức ở núi Thiên đồng, huyện Ngân, tỉnh Chiết giang. 5. Chùa Quảng lợi ở núi A dục vương, huyện Ngân, tỉnh Chiết giang. B. Thập Sát: 1. Chùa Thiên ninh vạn thọ vĩnh tộ ở núi Trung thiên trúc, huyện Hàng, tỉnh Chiết giang. 2. Chùa Hộ thánh vạn thọ ở núi Đạo tràng, huyện Ngô hưng, tỉnh Chiết giang. 3. Chùa Thái bình hưng quốc (cũng gọi chùa Linh cốc), ở núi Tưởng sơn, Nam kinh, tỉnh Giang tô. 4. Chùa Báo ân quang hiếu, ở núi vạn thọ, huyện Ngô, tỉnh Giang tô. 5. Chùa Tư thánh ở núi Tuyết đậu, huyện Ngân, tỉnh Chiết giang. 6. Chùa Long tường ở núi Giang tâm, huyện Vĩnh gia, tỉnh Chiết giang. 7. Chùa Sùng thánh ở núi Tuyết phong, huyện Mân hầu, tỉnh Phúc kiến. 8. Chùa Bảo lâm ở núi Vân hoàng, huyện Kim hoa, tỉnh Chiết giang. 9. Chùa Vân nham ở núi Hổ khâu, huyện Ngô, tỉnh Giang tô. 10. Chùa Quốc thanh trung, ở núi Thiên thai, huyện Lâm hải, tỉnh Chiết giang. Có thuyết cho rằng Ngũ sơn bắt đầu từ ngài Đại tuệ Tông cảo trở về sau, do chúng tăng ở chùa Linh ẩn đương thời nhóm họp ở Trực chỉ đường đặt ra chứ không phải do Ngũ Sơn Bản triều đình qui định. Lúc bấy giờ, Ngũ sơn được hưởng quyền lợi đặc biệt. Đến niên hiệu Chí thuận năm đầu (1330) đời Nguyên, vua Văn tông ban lệnh xây chùa Long tường tập khánh ở Kim lăng, thế lực bao trùm, Ngũ sơn mới dần dần suy vi. Về sau, Giáo viện cũng thiết lập Ngũ sơn thập sát song song với Thiền viện Ngũ sơn thập sát. [X. Lời tựa trong Hộ pháp lục Giác nguyên thiền sư di y tháp minh; điều Du phương tham thỉnh, chương Đại chúng trong Sắc tu Bách trượng thanh qui Q.hạ]. II. Ngũ sơn Thập sát của Nhật bản. Cũng gọi: Phù tang ngũ sơn thập sát. Nhật bản phỏng theo chế độ của Trung quốc, vào cuối thời Liêm thương cũng thiết lập Ngũ sơn, nhưng đến thời Thất đinh cơ cấu Ngũ sơn mới hoàn chỉnh. Đến niên hiệu Kiến vũ năm đầu (1334) Thập sát mới được thành lập, nhưng chưa đủ số. Đến năm Lịch ứng thứ 4 (1341) Túc lợi Trực nghĩa mới chế định Ngũ sơn thập sát, về sau thay đổi luôn. Đến năm Chí đức thứ 3 (1386), chùa Nam thiền được xếp vào hàng đầu Ngũ sơn, từ đó, Kinh đô và Liêm thương đều lập riêng Ngũ sơn Thập sát mà hình thành thế đối lập. Ngũ sơn ở Kinh Đô: 1. Chùa Thiên long. 2. Chùa Tướng quốc. 3. Chùa Kiến nhân. 4. Chùa Đông phúc. 5. Chùa Vạn thọ. Thập sát ở Kinh Đô: 1. Chùa Đẳng trì. 2. Chùa Lâm xuyên. 3. Chùa Chân như. 4. Chùa An quốc. 5. Chùa Bảo chàng. 6. Chùa Phổ môn. 7. Chùa Quảng giác. 8. Chùa Diệu quang. 9. Chùa Đại đức. 10. Chùa Long tường. Ngũ Sơn ở Liêm Thương: 1. Chùa Kiến trường. 2. Chùa Viên giác. 3. Chùa Thọ phúc. 4. Chùa Tịnh trí. 5. Chùa Tịnh diệu. Thập Sát ở Liêm Thương: 1. Chùa Thiền hưng. 2. Chùa Thụy tuyền. 3. Chùa Đông thắng. 4. Chùa Vạn thọ. 5. Chùa Đông tiệm. 6. Chùa Vạn phúc. 7. Chùa Thái khánh. 8. Chùa Hưng thánh. 9. Chùa Pháp tuyền. 10. Chùa Trường lạc. [X. Phù tang ngũ sơn kí; Liêm thương ngũ sơn kí; Nhật bản Thiền tông sử yếu].