ngũ sắc giới đạo

Phật Quang Đại Từ Điển

(五色界道) Cũng gọi Chúng sắc giới đạo. Năm màu được dùng làm đường ranh giới khi vẽ Mạn đồ la để phân biệt các tầng lớp. Theo Đại nhật kinh sớ quyển 6 thì đường ranh giới ở chính giữa và đường ranh giới của lớp thứ nhất phải đủ 5 màu, trước hết dùng màu trắng làm đường ranh giới chung quanh, rồi phía ngoài theo thứ tự dùng các màu đỏ, vàng, xanh và đen; đường ranh giới của lớp thứ 2 cũng theo thứ tự như trên, nhưng chỉ có 3 màu trắng, đỏ, vàng; đường ranh giới chung quanh lớp thứ 3 chỉ dùng 1 màu thuần trắng. Đường riềm phía ngoài chỗ hành đạo và cúng dường thì tùy ý vẽ thuần 1 màu, nhưng kinh Nhuy hi da quyển trung thì bảo chỉ dùng màu trắng. Về thứ tự sắp xếp 5 màu này có rất nhiều thuyết khác nhau, như kinh Đà la ni tập quyển 1 nói thứ tự là: Trắng, đỏ, xanh, vàng, đen. Chư thuyết bất đồng kí quyển 2 nói: Trắng, vàng, đỏ, xanh, đen. Thông thường, trong các bức vẽ Mạn đồ la được lưu truyền trước nay, thì Mạn đồ la Kim cương giới theo thứ tự 5 màu: Trắng, xanh, vàng, đỏ, đen; còn Mạn đồ la Thai tạng giới thì theo thứ tự trắng, đỏ, vàng, xanh, đen. Ngoài ra, đường ranh giới cũng có 3 loại khác nhau: Đàn Thành tựu dùng chày 5 chĩa làm đường ranh giới, đàn Bí mật dùng chày kim cương chữ thập (..), còn đàn Đại bi thì dùng 5 màu. [X. Đại tì lô già na thành tựu du già Q.thượng; Đại nhật kinh nghĩa thích diễn mật sao Q.5, 6; Đại nhật kinh sớ diễn áo sao Q.12, 17, 52].