ngũ pháp

Phật Quang Đại Từ Điển

(五法) I. Ngũ Pháp. Cũng gọi Ngũ sự, Tướng danh ngũ pháp. Chỉ cho 5 pháp: Danh, tướng, phân biệt, chính trí và chân như, là bản chất của các pháp mê ngộ, được nói trong kinh Nhập lăng già quyển 7. Danh là tên giả được đặt ra trong thế giới hiện tượng; Tướng chỉ cho các tướng trạng sai biệt trong hiện tượng giới do nhân duyên hòa hợp sinh ra; Phân biệt là do chấp trước 2 pháp danh và tướng nói trên mà sinh khởi tâm hư vọng phân biệt; Chính trí là trí tuệ khế hợp với chân như; Chân như là bản thể của tất cả sự tồn tại, cũng tức là chân lí bình đẳng như thực. Trong 5 pháp trên, 3 pháp trước là pháp mê, 2 pháp sau là pháp ngộ. II. Ngũ Pháp. Cũng gọi Lí trí ngũ pháp. Năm pháp của Phật địa: Pháp giới thanh tịnh, Đại viên kính trí, Bình đẳng tính trí, Diệu quan sát trí và Thành sở tác trí. Trong đó, lí Chân như sở ngộ(Pháp giới thanh tịnh) cùng với trí Bồ đề năng ngộ(4 trí) bao hàm 3 thân Phật(Tự tính thân, Thụ dụng thân, Biến hóa thân). [X. kinh Phật địa]. (xt. Trí). III. Ngũ Pháp. Năm pháp hạnh trong 25 phương tiện được nói trong Ma ha chỉ quán quyển 4, hạ. Đó là: Dục, Tinh tiến, Niệm, Xảo tuệ và Nhất tâm. IV. Ngũ Pháp. Năm uẩn. Luận Câu xá gọi Ngũ uẩn là Ngũ pháp. Tức là sắc uẩn, thụ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn. V. Ngũ Pháp. Chỉ cho 5 pháp: Sắc pháp, Tâm pháp, Tâm sở pháp, Bất tương ứng pháp và Vô vi pháp, tức là 5 vị của 75 pháp. (xt. Ngũ Pháp Sự Lí Duy Thức).