ngũ phần pháp thân

Phật Quang Đại Từ Điển

(五分法身) Cũng gọi Vô lậu ngũ uẩn, Vô đẳng đẳng ngũ uẩn (Phạm: Asamasama-paĩcaskandha). Năm thứ công đức đầy đủ trong tự thể của Phật và A la hán. Có hai cách giải thích. A. Theo cách giải thích của Tiểu thừa: Câu xá luận quang kí quyển 1, phần cuối, nêu và giải thích 5 phần pháp thân là: 1. Giới thân (Phạm: Zìla-skandha), cũng gọi Giới uẩn, Giới chúng, Giới phẩm. Tức là thân nghiệp và ngữ nghiệp vô lậu. 2. Định thân (Phạm: Samàdhiskandha), cũng gọi Định uẩn, Định chúng, Định phẩm. Tức là 3 Tam muội không, vô nguyện và vô tướng của bậc Vô học. 3. Tuệ thân (Phạm:Prajĩà-skandha), cũng gọi Tuệ uẩn, Tuệ chúng, Tuệ phẩm. Tức là chính kiến, chính tri của bậc Vô học.4. Giải thoát thân (Phạm: Vimuktiskandha), cũng gọi Giải thoát uẩn, Giải thoát chúng, Giải thoát phẩm. Tức là thắng giải tương ứng với chính kiến. 5. Giải thoát tri kiến thân (Phạm: Vimukti-jĩàna-darzana-skandha), cũng gọi Giải thoát sở kiến thân, Giải thoát tri kiến uẩn, Giải thoát tri kiến chúng, Giải thoát tri kiến phẩm. Tức là tận trí, vô sinh trí của bậc Vô học. Trong đó, Giải thoát thân và Giải thoát tri kiến thân hợp lại gọi chung là Giải tri kiến. Bởi vì tận trí và vô sinh trí của bậc Vô học Tiểu thừa là giải thoát tri kiến. Trong giáo đoàn Phật giáo, điều này vốn được coi là pháp môn ngăn dứt những dục vọng của nhục thể và tinh thần, giúp cho tâm tĩnh lặng, trí tuệ sáng suốt để ngay từ trong tất cả sự trói buộc mà được giải thoát. B. Theo cách giải thích của Đại thừa. Trong Đại thừa nghĩa chương quyển 20, phần đầu, ngài Tuệ viễn giải thích năm phần pháp thân như sau: 1. Giới thân: Chỉ cho Giới pháp thân Như lai đã xa lìa hết thảy lỗi lầm của 3 nghiệp thân, khẩu, ý. 2. Định thân: Trong Định pháp thân của Như lai, chân tâm vắng lặng, tự tính không động, xa lìa tất cả vọng niệm. 3. Tuệ thân: Tuệ pháp thân của Như lai thể chân tâm tròn sáng, tự tính sáng tỏ, quán xét thấu suốt hết thảy pháp tính, tức chỉ cho trí căn bản. 4. Giải thoát thân: Giải thoát pháp thân của Như lai tự thể không bị câu thúc, giải thoát khỏi tất cả sự trói buộc. 5. Giải thoát tri kiến thân: Giải thoát tri kiến pháp thân của Như lai tự thể chứng biết xưa nay vốn thanh tịnh vô nhiễm, đã thực sự giải thoát. Về danh nghĩa của Ngũ phần pháp thân thì sách đã dẫn trên giải thích rằng : Phần tức là nhân, vì 5 thứ nói trên là nhân để thành thân, nên gọi là phần; Pháp là tự thể, vì 5 thứ trên là tự thể của bậc Vô học nên gọi là pháp; lại nữa, pháp nghĩa là khuôn phép, mà 5 thứ trên là khuôn phép để thành thân nên gọi là pháp; Thân tức là thể, 5 thứ trên là thể của chư Phật, cho nên gọi là thân; thân cũng có nghĩa là chỗ tích tụ mọi công đức, vì thế gọi là thân. Về thứ tự của Ngũ phần pháp thân thì rất rõ ràng, từ giới sinh định, từ định phát tuệ, do tuệ mà được giải thoát, do giải thoát mà có giải thoát tri kiến. Giới, định, tuệ là căn cứ theo nhân mà đặt tên, còn giải thoát và giải thoát tri kiến thì căn cứ theo quả mà đặt tên, tuy nhiên, cả 5 thứ đều là công đức của Phật. Theo luận Câu xá quyển 1, thì giới uẩn thuộc về sắc uẩn, 4 uẩn còn lại thuộc về hành uẩn. Thỉnh quan âm kinh sớ của ngài Trí khải thì cho rằng: Nếu chuyển được 5 ấm sắc, thụ, tưởng, hành, thức thì lần lượt có thể được Ngũ phần pháp thân: Giới thân, định thân… Ngoài ra, trong Ngũ phần pháp thân của Mật giáo, thì Giới chỉ cho Tam muội da giới: Chúng sinh và Phật không hai, 6 đại vô ngại; Định chỉ cho tâm đại quyết định, an trụ trong chúng sinh và Phật không hai; Tuệ chỉ cho trí tuệ tự giác rõ suốt lí 6 đại vô ngại; Giải thoát chỉ cho địa vị tự ngộ, rõ suốt lí 6 đại vô ngại, xa lìa mọi chấp trước mà được giải thoát; Giải thoát tri kiến chỉ cho sự thấy biết sau khi chứng ngộ không còn bị các chấp trước trói buộc. [X. kinh Tạp a hàm Q.24, 47; kinh Trường a hàm Q.9; kinh Tăng nhất a hàm Q.2, 18, 29; kinh Tăng già la sát sở tập Q.hạ; kinh Quán Phổ hiền hành pháp; kinh Bồ tát anh lạc Q.thượng; Phật địa kinh luận Q.4].