ngu ngốc

Phật Quang Đại Từ Điển

(愚禿) I. Ngu Ngốc. Ngu là không thông minh, là lời tự khiêm; Ngốc là đầu trọc, sói tóc, cạo trọc đầu. Từ ngữ này vốn được ngoại đạo ở Ấn độ đời xưa dùng để châm biếm các vị sa môn. Kinh Tì bà lăng kì trong Trung a hàm quyển 12 (Đại 1, 500 thượng) nói: Ta không muốn trông thấy sa môn trọc đầu (Ngốc đầu sa môn). Về sau, ngay trong Phật giáo, những vị tăng phá giới cũng thường bị chê bai là Ngu ngốc (kẻ ngu trọc đầu), Ngốc cư sĩ (cư sĩ trọc đầu). Kinh Đại bát niết bàn (bản Bắc) quyển 3 (Đại 12, 383 hạ) nói: Kẻ phá giới không giữ pháp, gọi là Ngốc cư sĩ. Từ thời Trung cổ về sau, các vị tăng Nhật bản thường tự xưng là Ngu ngốc, nên nó đã trở thành 1 trong những lời khiêm xưng chung của giới tăng sĩ, đồng nghĩa với các từ ngữ: Bần đạo, Chuyết tăng (tăng quê mùa vụng về)v.v… II. Ngu Ngốc. Biệt hiệu của ngài Thân loan, vị tăng Nhật bản, hàm ý tự cho mình chẳng phải tăng chẳng phải tục. Sau khi dời đến Bắc quốc, ngài Thân loan dùng tên: Ngu ngốc Thích Thân loan.