ngũ nghĩa phần thông

Phật Quang Đại Từ Điển

(五義分通) Trong luật Tứ phần (vốn là Tiểu thừa) có 5 chỗ mà ý nghĩa tương thông với nghĩa của Đại thừa theo sự nhận xét của Nam sơn luật tông, cho nên gọi là Ngũ nghĩa phần thông. Năm nghĩa ấy là: 1. Đạp bà yếm Vô học: Theo luật Tứ phần quyển 3 thì vị A la hán tên là Đạp bà la tử, suy nghĩ thân này là vô thường, sinh diệt không bền chắc, muốn cầu pháp bền vững, muốn đem hết sức mình cúng dường chư tăng. Tức là nhàm chán thân 3 thừa (Vô học), hướng tâm về Đại thừa, cầu pháp Bồ tát, tu hạnh lợi tha. 2. Thí sinh thành Phật đạo: Tứ phần tăng giới bản (Đại 22, 1030 hạ) nói: Nay ta nói giới kinh, những công đức đã nói, ban cho các chúng sinh, đều cùng thành Phật đạo; căn cứ vào câu đều cùng thành Phật đạo thì biết đây là pháp Đại thừa chứ chẳng phải Tiểu thừa. 3. Tương triệu vi Phật tử: Trong bài tựa luật Tứ phần quyển 1, có các câu: Như thế các Phật tử hay Phật tử cũng như thế. Trong giới Tiểu thừa, chúng tăng thường được gọi là Tỉ khưu, còn trong giới Đại thừa (kinh Phạm võng) thì gọi là Phật tử. Nay căn cứ vào lời xưng hô Phật tử thì ta biết đó là nghĩa Đại thừa.4. Xả tài dụng phi trọng: Đây là lúc sám hối tội Đọa, đầu tiên đối trước chúng tăng xả bỏ tài vật mà mình đã lấy, rồi sau mới làm pháp sám hối, chúng tăng thu giữ vật ấy, trong vòng 1 ngày, trả nó lại cho chủ cũ. Tứ phần luật tông cho rằng tuy không trả lại chủ cũ mà dùng nó trong chúng tăng, thì cũng chỉ kết tội nhẹ Đột cát la chứ không thành tội nặng (phi trọng) trộm cướp, vì người sám hối đã thực tâm xả bỏ. Đó là nghĩa của Đại thừa lấy ý nghiệp làm chủ. 5. Trần cảnh phi căn cảnh: Các trần cảnh như sắc, thanh v.v… là do thức mắt, thức tai nhận biết, chứ chẳng phải do căn mắt, căn tai nhận biết. Phần giải thích về giới Tiểu vọng ngữ trong luật Tứ phần quyển 11 có những câu: Thấy là thức mắt thấy, nghe là thức tai nghe, xúc giác thì thuộc 3 thức là thức mũi, thức lưỡi và thức thân, còn biết thì thuộc về thức ý. Nghĩa trong các câu trên đây khác hẳn với nghĩa căn thấy, căn nghe… của Hữu bộ Tiểu thừa chủ trương, nhưng giống hệt với nghĩa thức thấy, thức nghe… của Đại thừa. [X. Tứ phần luật san bổ tùy cơ yết ma sớ Q.3, hạ; Tứ phần luật hành sự sao tư trì kí Q.thượng, phần 3, tiết 1; Tứ duyên kí Q.3, hạ].