ngữ mật

Phật Quang Đại Từ Điển

(語密) Phạm: Vàg-guhya. Cũng gọi Khẩu mật. Lời nói của Như lai thần biến chẳng thể nghĩ bàn, tức chỉ tất cả ngôn ngữ thành tựu muôn đức, là 1 trong 3 mật của Như lai. Vì đây là cảnh giới Phật tự chứng mà Nhị thừa, phàm phu, Đẳng giác và Thập địa bồ tát đều không thể thấy nghe, cho nên gọi là Ngữ mật. Theo thuyết của Mật giáo, các vị tôn đều có 4 thứ Mạn đồ la, trong đó, Pháp mạn đồ la là ngôn giáo của chủng tử và chân ngôn đà la ni, vì thế là Ngữ mật của Như lai. Trong 3 bộ của Thai tạng giới, thì Liên hoa bộ được phối hợp với Ngữ mật. Trong 3 mật của chúng sinh thì người tu hành miệng tụng chân ngôn, cho đến tất cả khẩu nghiệp nói năng đều được gọi là Ngữ mật.[X. luận Đại trí độ Q.10; luận Thập trụ tâm Q.10]. (xt. Tam Mật).