ngũ ma tự

Phật Quang Đại Từ Điển

(五摩字) Phạm: Paĩcamakàra. Cũng gọi Ngũ ma sự. Năm thứ tượng trưng hợp nhất với tính (Phạm: Zakti) làm môi giới để đạt được thú vui cực độ. Đó là: Rượu (Phạm: Madya), thịt (Phạm: Màmsa), cá (Phạm:Matsya), gạo rang (Phạm:Mudrà) và trai gái giao hợp (Phạm: Maithuna). Chữ Phạm của 5 từ trên đều bắt đầu bằng chữ M, vì thế nên có tên là Ngũ ma tự. Ngũ ma tự chủ yếu được thấy trong văn hiến của phái Tính lực (Phạm: Zàkta) thuộc Ấn độ giáo. Ngũ ma tự có khi cũng được cho là tượng trưng 5 đại: Đất, nước, lửa, gió, và không, cũng gọi là Ngũ thực tính (Phạm: Paĩcatattva), là do căn cơ của người ta bất đồng nên ý nghĩa tượng trưng cũng khác nhau. Với người hạ căn thì cấm chỉ không được uống rượu cho đến việc trai gái giao hợp, nhưng với người thượng căn thì đó là môi giới đồng hóa với sự sống của vũ trụ. Rượu thuộc lửa, sau khi thiêu đốt là năng lực sản sinh ra các yếu tố. Thịt thuộc gió, có năng lực nuôi lớn thân tâm. Cá thuộc nước, biểu hiện sức sống của các loài thủy tộc. Gạo rang thuộc đất, là nền tảng của sinh mệnh trên mặt đất. Trai gái giao hợp thuộc không, biểu hiện sức sống của vũ trụ sáng tạo. Tác pháp Ngũ ma tự là 1 trong những đặc sắc của Mật giáo tả đạo, về sau cũng truyền đến Tây tạng. Nhưng trong văn hiến của Phật giáo tuyệt nhiên không có thuyết này.[X. Đại niết bàn đát đặc la bản tiếng Phạm (Mahànirvàịà, VII, 103-111); Nhất thiết Như lai kim cương tam nghiệp tối thượng bí mật đại giáo vương kinh (Guhyasamàjatantra); Đại bi không trí kim cương đại giáo vương nghi quĩ kinh; Tantra of the Great Liberation by A. Avalon; Shakti and Shakta by J. Woodroff; Guhyasamàja-tantra, GOS. L III by B. Bhattacharyya].