ngũ luân tam muội

Phật Quang Đại Từ Điển

(五輪三昧) Cũng gọi Ngũ luân thiền. Năm thứ công đức do tu thiền định mà được. Năm pháp môn này là mượn thí dụ để đặt tên, vì đã xa lìa tâm tán loạn ở cõi dưới(cõi Dục), lần lượt chuyển lên đến quả cùng tột của giai vị Vô học, nên gọi là Luân. Đó là: 1. Địa luân tam muội: Hành giả ở trong Chỉ, nếu chứng định Vị đáo địa thì bỗng nhiên tâm lặng lẽ, tự biết tướng của thân và tâm đều không, an nhiên vào định, giữ tâm không động, giống như đất có 2 nghĩa: Trụ vững bất động và sinh ra muôn vật. 2. Thủy luân tam muội: Hành giả ở trong Địa luân, nếu phát sinh các công đức thiền định, nước định thấm nhuần tâm, tự biết mầm lành trong tâm thêm lớn, thân tâm nhẹ nhàng, diệt trừ tâm cao mạn, tâm theo pháp lành; hệt như nước có 2 nghĩa: Thể tính nhuần thấm và nuôi lớn muôn vật.3. Phong luân tam muội: Hành giả nếu nhờ thiền định mà phát được trí tuệ tương tự, phương tiện vô ngại, được đạo phương tiện thì có thể phát khởi các thứ thiện căn xuất thế, công đức thêm lớn, cũng có khả năng diệt trừ tất cả các kiến chấp phiền não; giống như gió có 3 nghĩa: Di chuyển trong hư không 1 cách vô ngại, cổ động vạn vật và có khả năng phá hoại. Nếu hàng Nhị thừa được Tam muội này thì tức là tướng 5 phương tiện tựa vô lậu giải phát sinh; còn nếu hàng Bồ tát chứng Tam muội này thì liền vào Thập tín thiết luân. 4. Kim sa luân tam muội: Kim (vàng) ví dụ chân thực; Sa (cát) ví dụ không dính mắc. Nếu hành giả phát được trí tuệ chân thực về Kiến hoặc, Tư hoặc, không bám không dính thì chứng được 3 đạo quả, cũng như vàng và cát, cho nên gọi là Kim sa luân tam muội. Nếu Bồ tát chứng Tam muội này thì liền vào giai vị Tam hiền Thập địa, có khả năng phá trừ hết thảy trần sa phiền não.5. Kim cương luân tam muội, cũng gọi Thanh tịnh thiền. Tức là đạo vô ngại thứ 9; ví như kim cương, thể cứng chắc, dụng sắc bén, có công năng phá nát mọi vật mà không bị vọng hoặc xâm hại, có khả năng cắt đứt hết thảy kết sử, thành tựu quả A la hán. Nếu Tam muội này ở trong tâm Bồ tát thì chính là Kim cương bát nhã, có thể phá trừ hoặc vô minh vi tế, chứng Nhất thiết chủng trí. Bồ tát nhờ đó sẽ chứng quả đại Bồ đề. [X. Thích thiền ba la mật thứ đệ pháp môn Q.3, thượng].