ngũ khổ

Phật Quang Đại Từ Điển

(五苦) Năm thứ khổ não. Trong các kinh luận, có nhiều thuyết khác nhau về Ngũ khổ. Như kinh Ngũ khổ chương cú nêu 5 nỗi khổ trong 5 đường là: 1. Chư thiên khổ: Tất cả người các cõi trời đều chịu khổ sinh già bệnh chết, tùy theo nghiệp đã tạo ở đời trước mà quyết định tuổi thọ dài hay ngắn; đồng thời các trời đều có 2 đại nạn là hết số và hết kiếp. 2. Nhân đạo khổ: Từ kẻ nô tì đến bậc Chuyển luân Thánh vương đều phải chịu vô lượng trăm ngàn nỗi khổ như sống, già, bệnh, đói, khát, rét, bức, v.v… 3. Súc sinh khổ: Các loài chim, thú, trùng, cá… đều chịu muôn thứ khổ như: Đói, khát, lạnh, nóng, làm thực phẩm cho người và ăn nuốt lẫn nhau. 4. Ngã quỉ khổ: Quỉ đói thân cao 1 do tuần, mà cổ họng nhỏ như lỗ kim, từ trong yết hầu phun ra lửa, ăn uống không được. 5. Địa ngục khổ: Địa ngục có các cái khổ của 8 địa ngục lạnh, 8 địa ngục nóng như: thành bằng sắt, vạc dầu sôi, rừng gươm, núi dao v.v… Luận Du già sư địa quyển 44, nêu 5 thứ khổ: Khổ vì bị bức bách, khổ vì thiếu thốn đủ thứ, khổ vì cõi đời bất bình đẳng, khổ vì cái mình yêu thích bị biến hoại và khổ vì những phiền não thô trọng trong 3 cõi. Đại minh tam tạng pháp số quyển 24 nêu 5 khổ: 1. Sinh lão bệnh tử khổ: Chúng sinh lúc mới đầu thai ở trong bụng mẹ chật chội nhớp nhúa; đến lúc ra khỏi thai(sinh), gió lạnh chạm vào mình thì như bị vật gì đâm, đến lúc tuổi già(lão), khí lực suy yếu, đi đứng không vững, còn bị ốm đau,(bệnh) nóng lạnh não hại, cuối cùng lúc chết(tử) thì 4 đại tan rã, thần thức phiêu tán, các duyên ấy thảy đều là khổ. 2. Ái biệt li khổ: Người mình yêu thương thì phải xa cách, lìa tan, không được sống chung 1 chỗ. 3. Oán tăng hội khổ: Người mình chán ghét, vốn muốn xa lánh thì lại cứ phải gặp nhau luôn. 4. Cầu bất đắc khổ: Đối với các cảnh sắc thanh ở thế gian và tất cả lợi dưỡng đáng yêu thích, lòng tham muốn lắm mà không đạt được. 5. Ngũ ấm thịnh khổ: Ngũ ấm tức sắc, thụ, tưởng, hành, thức. Ở đây là chỉ chung cho 1 thân người. Nghĩa là thân 5 ấm chịu các nỗi khổ rất mãnh liệt. [X. kinh Bồ tát địa trì Q.7; luận Hiển dương thánh giáo Q.15; Quán vô lượng thọ kinh sớ (Trí khải); Du già sư địa luận lược toản Q.11].