Ngũ giáo

Từ điển Đạo Uyển


五教; C: wǔ jiāo; J: gokyō; Năm loại giáo pháp. Theo nội dung, phương thức và thời gian truyền bá, giáo lí trong các kinh điển Phật giáo được chia thành 5 loại. Sự phân loại nầy thường theo nội dung (giáo hoá căn cơ) sâu cạn của kinh. Cách phân loại của tông Hoa Nghiêm và Thiên Thai là phổ biến hơn cả. Nhưng vào trước thời kì phán giáo (thời kì Trung Hoa phân chia Nam-Bắc triều), đã có một số phân loại. Đó là: A. Năm giáo pháp theo đề xuất của sư Tự Quỹ (自軌): 1. Giáo lí Duyên khởi (như Nhất thiết hữu bộ…); 2. Giáo lí Giả danh (như Thành thật luận…); 3. Giáo lí tính không (kinh Bát-nhã), 4. Giáo lí Diệu hữu (kinh Niết-bàn); 5. Giáo lí Chân tế (Thật tại Tối thượng, kinh Hoa Nghiêm). B. Năm giáo pháp theo sư Huệ Quán (慧觀) và Pháp Vân (法雲): 1. Giáo lí về Hữu (kinh A-hàm); 2. Giáo lí về Tính không (kinh hệ Bát-nhã); 3. Giáo lí về khen ngợi pháp Bồ Tát, phê phán pháp Thanh văn (ức dương giáo, Bao biếm ức dương giáo, kinh Duy-ma-cật); 4. Đồng quy giáo (kinh Pháp Hoa); 5. Thường Trụ giáo (kinh Niết-bàn). C. Theo giáo lí của tông Hoa Nghiêm do sư Pháp Tạng (法藏) chủ trương, 5 giáo pháp gồm: 1. Tiểu thừa giáo (小乘教); 2. Đại thừa thuỷ giáo (大乘始教), là giáo lí cơ sở của Đại thừa, đó là giáo lí của tông Pháp tướng và tông Tam luận; 3. Đại thừa chung giáo (大乘終教): là giáo lí thời kì cuối của Đại thừa, khẳng định mọi chúng sinh đều có Phật tính; 4. Đại thừa đốn giáo (大乘頓教); 5. Đại thừa viên giáo (大乘圓教), là giáo lí hoàn chỉnh nhất của Đại thừa, còn gọi là giáo lí Hoa Nghiêm.