ngũ giáo thập tông

Phật Quang Đại Từ Điển

(五教十宗) Năm giáo 10 tông. Đây là sự phán thích về giáo tướng của tông Hoa nghiêm, do Tổ sư Hiền thủ thành lập. Ngài Hiền thủ căn cứ vào tông nghĩa của tông Hoa nghiêm mà chia Thánh giáo Như lai nói trong 1 đời thành 5 giáo 10 tông. Ngài Đỗ thuận(Sơ tổ tông Hoa nghiêm) từ pháp quán thực tiễn mà lập ra Tiểu thừa giáo, Đại thừa thủy giáo, Đại thừa chung giáo, Đốn giáo và Viên giáo. Còn ngài Hiền thủ thì căn cứ vào giáo nghĩa để thành lập 5 giáo. Quan điểm khác nhau của 2 ngài về Ngũ giáo là ở tác dụng Nhất tâm hồi chuyển. Ngũ giáo là căn cứ vào sự sâu cạn của pháp nghĩa sở thuyên mà chia giáo tướng của Như lai làm 5 loại, còn Thập tông là dựa theo nghĩa lí Phật nói mà chia làm 10 loại.Nội dung 5 giáo là: 1. Tiểu thừa giáo, cũng gọi Ngu pháp tiểu thừa giáo, Ngu pháp thanh văn giáo: Giáo pháp trong kinh A hàm như 4 đế, 12 nhân duyên v.v… nói cho những người thuộc căn cơ Tiểu thừa. 2. Đại thừa thủy giáo, cũng gọi Phần giáo: Giáo pháp nói cho hàng Tiểu thừa mới vào Đại thừa, nhưng căn cơ của họ chưa chín mùi. Giáo pháp này là cửa đầu tiên của Đại thừa, trong đó lại được chia làm 2 thứ: Không thủy giáo và Tướng thủy giáo. a) Không thủy giáo: Giáo pháp nói trong kinh Bát nhã… nghĩa là tất cả vật chất đều không có thực thể nhất định, chủ trương hết thảy vốn không. Nhưng giáo pháp này mới chỉ nói rõ nghĩa không về phá tướng trừ chấp, chứ chưa suốt hết pháp lí Đại thừa, cho nên gọi là Không thủy giáo. b) Tướng thủy giáo: Chỉ cho giáo pháp nói trong kinh Giải thâm mật… nghĩa là các pháp đều do nhân duyên sinh và muôn vật đều có bản thể và hiện tượng khác nhau, chủ trương 5 tính đều khác nhau. Vì giáo pháp này bàn rộng về pháp tướng mà ít nói đến pháp tính, vả lại, chỉ đứng về phương diện sự pháp sinh diệt mà thuyết minh A lại da duyên khởi, cho nên gọi là Tướng thủy giáo. 3. Đại thừa chung giáo, cũng gọi Thực giáo, Thục giáo, Chung giáo. Giáo pháp nói chân như tùy duyên mà sinh các pháp nhơ, sạch nhưng thể của nó vốn tự thanh tịnh, vì thế cho rằng hết thảy chúng sinh đều sẽ thành Phật, như các kinh Lăng già, Thắng man và luận Đại thừa khởi tín chủ trương. Giáo pháp này bàn nhiều về pháp tính mà ít nói đến pháp tướng, thảng hoặc có đề cập đến pháp tướng thì cũng chỉ nhằm qui về pháp tính. Nói 8 thức thông với Như lai tạng, tùy duyên thành lập 2 nghĩa sinh diệt và không sinh diệt. Vì giáo này đã đạt đến chỗ cùng tột của thuyết Đại thừa, cho nên được gọi là Đại thừa chung giáo. 4. Đốn giáo, cũng gọi Đại thừa đốn giáo. Giáo này không lập văn tự, chỉ biện minh về chân tính, không đặt ra các giai vị đoạn hoặc (phiền não) chứng lí, mà chủ trương tu mau, ngộ ngay, như được nói trong kinh Duy ma. Giáo này khác với chủ trương tu chứng theo trình tự từ thấp đến cao của 2 giáo Thủy, Chung, cũng không giống với viên minh cụ đức(đầy đủ đức tròn sáng)của Viên giáo, cho nên lập riêng thành 1 giáo. 5. Viên giáo, cũng gọi Nhất thừa viên giáo. Giáo này nói tính hải viên dung, tùy duyên khởi thành pháp giới vô tận, các pháp vô ngại, tức là nhau hòa nhập vào nhau, 1 giai vị tức là tất cả giai vị, tất cả giai vị tức là 1 giai vị, Thập tín mãn tâm liền thành chính giác, vì thế gọi là Viên, như giáo thuyết của kinh Hoa nghiêm, kinh Pháp hoa v.v… Giáo này lại chia ra 2 thứ: Biệt giáo nhất thừa và Đồng giáo nhất thừa:a) Biệt giáo nhất thừa: Giáo này vượt ngoài các giáo mà nói kinh Hoa nghiêm là pháp môn viên dung không thể nghĩ bàn, khác hẳn với giáo Tam thừa, vì thế gọi là Biệt giáo nhất thừa. Đây là Viên giáo do ngài Hiền thủ thành lập. b) Đồng giáo nhất thừa: Kinh Pháp hoa chủ trương xóa bỏ Nhị thừa, thuyết này tương đồng với giáo Tam thừa, vì thế gọi là Đồng giáo nhất thừa. Đây là Viên giáo do tông Thiên thai thành lập. Nội dung 10 tông là: 1. Ngã pháp câu hữu tông: Chủ trương ngã và pháp đều đủ và có thực thể tồn tại. Đây là tông nghĩa của Nhân thiên giáo và các bộ phái: Độc tử, Pháp thượng, Hiền trụ, Chính lượng, Mật lâm sơn và Kinh lượng thuộc Tiểu thừa. 2. Pháp hữu ngã vô tông: Chủ trương pháp thể thường có, nhưng không có ngã chủ quan tồn tại. Đây là tông nghĩa của các bộ phái: Tát bà đa (Hữu bộ) Tuyết sơn, Đa văn, Hóa địa… thuộc Tiểu thừa. 3. Pháp vô khứ lai tông: Chủ trương chỉ có các pháp trong hiện tại là có thực thể còn các pháp quá khứ, vị lai thì thể dụng đều không. Đây là tông nghĩa của các bộ phái: Đại chúng, Kê dận, Chế đa sơn, Tây sơn trụ, Bắc sơn trụ, Pháp tạng và Ẩm quang thuộc Tiểu thừa. 4. Hiện thông giả thực tông: Chủ trương các pháp trong hiện tại, trừ 5 uẩn ra, còn tất cả đều không có thực thể, đều là có giả. Đây là tông nghĩa của Thuyết giả bộ và luận Thành thực trong Tiểu thừa. 5. Tục vọng chân thực tông: Chủ trương tất cả sự vật trong thế tục đều là giả, chỉ có chân lí Phật giáo là thực tại. Đây là tông nghĩa của Thuyết xuất thế bộ thuộc Tiểu thừa.6. Chư pháp đãn danh tông: Chủ trương hết thảy các pháp chỉ có cái tên giả mà thôi chứ hoàn toàn không có thực thể. Đây là tông nghĩa của Nhất thuyết bộ thuộc Tiểu thừa. 7. Nhất thiết giai không tông: Chủ trương các pháp đều không, thuộc Đại thừa vô tướng. Đây là tông nghĩa của Đại thừa thủy giáo (Tông này chỉ căn cứ vào Không thủy giáo mà đặt tên). 8. Chân đức bất không tông: Chủ trương bản tính của tất cả sự vật là chân như, đầy đủ tính công đức vô lậu của Như lai tạng; cũng tức là lí chân như cùng với sự vạn hữu dung thông vô ngại. Đây là tông nghĩa của Đại thừa chung giáo. 9. Tướng tưởng câu tuyệt tông: Chủ trương chân lí vượt ra ngoài cảnh tướng và tâm tưởng, không thể nói năng, chẳng thể nghi bàn. Đây là tông nghĩa của Đốn giáo.10. Viên minh cụ đức tông: Chủ trương các pháp đều không ngăn ngại lẫn nhau, có quan hệ hết lớp này đến lớp khác vô cùng, đầy đủ tất cả công đức. Đây chỉ cho giáo thuyết trong kinh Hoa nghiêm, là tông nghĩa của Nhất thừa viên giáo. Trong 10 tông trên đây, 6 tông trước thuộc Tiểu thừa giáo, vốn do ngài Khuy cơ thành lập, ngài Pháp tạng dùng theo. [X. Hoa nghiêm ngũ giáo chương Q.1; Ngũ giáo chương quan chú Q.thượng, phần 1; Hoa nghiêm kinh thám huyền kí Q.1; Hoa nghiêm kinh sớ Q.2, 3; Hoa nghiêm kinh lược sớ san định kí Q.1; Hoa nghiêm huyền đàm Q.5; Hoa nghiêm kinh sớ sao huyền đàm Q.5, 8; Viên giác kinh lược sớ Q.thượng, phần 1; Viên giác kinh đại sớ Q.thượng, phần 1; Viên giác kinh lược sớ sao Q.3; Ngũ giáo chương phục cổ kí Q.2].