ngũ giáo thập lí

Phật Quang Đại Từ Điển

(五教十理) Năm giáo và 10 lí mà tông Pháp tướng dùng để chứng minh sự tồn tại của thức A lại da thứ 8. Đại thừa chủ trương có thức A lại da thứ 8, còn tất cả kinh luận Tiểu thừa thì chỉ nói có 6 thức chứ không nói 8 thức, vì thế mà Đại thừa mới nêu ra Ngũ giáo thập lí (5 giáo 10 lí) để chứng minh sự tồn tại của thức A lại da thứ 8. Ngũ giáo nghĩa là trong các kinh có 5 chỗ nói đến thức A lại da thứ 8, tức là 2 chỗ trong kinh Đại thừa A tì đạt ma, 1 chỗ trong kinh Giải thâm mật, 1 chỗ trong kinh Nhập lăng già và 1 chỗ trong A cấp ma của Đại chúng bộ. Thập lí trong các kinh: 1. Sự tập khởi của chủng tử các pháp tạp nhiễm, thanh tịnh gọi là tâm, nếu không có thức A lại da thì tâm trì chủng kia không nên có. Nói cách khác, tâm trì chủng (giữ gìn chủng tử) ấy chính là thức A lại da. 2. Tâm dị thục chiêu cảm nghiệp thiện, ác chính là thức A lại da. 3. Chúng sinh hữu tình trôi lăn trong 5 đường 4 loài, cái bị trôi lăn ấy chính là thức A lại da(tức chủ thể luân hồi). 4. Có sắc căn thân là có chấp thụ, sắc căn thân ấy chính là thức A lại da. 5. Ba thứ thọ, noãn, thức nương vào nhau mà tiếp tục tồn tại; cái giữ cho thọ và noãn được tương tục lâu dài, chính là thức A lại da. Nếu không có thức này thì mệnh sống không thể có. 6. Các loài hữu tình khi mệnh chung ắt ở trạng thái tán tâm, chứ không phải ở trong định vô tâm, vậy nếu không có thức A lại da duy trì thì tâm ấy tiêu mất, không thể chuyển sinh. 7. Thức duyên danh sắc, danh sắc duyên thức, tự thể của thức ấy chính là thức A lại da. 8. Tất cả hữu tình đều nhờ ăn mà sống, cái thể ăn của thức ấy chính là thức A lại da. 9. Người ở trong định Diệt tận, thân ngữ, tâm hành đều diệt, nhưng thọ (sự sống) không diệt, thân cũng không mất hơi ấm (noãn), các căn không biến đổi, hư hoại, thức chẳng lìa thân. Thức chẳng lìa thân ấy chính là thức A lại da. 10. Vì tâm nhơ nhớp nên có hữu tình nhơ nhớp, vì tâm trong sạch nên có hữu tình trong sạch; tâm nhơ nhớp và trong sạch ấy chính là thức A lại da. [X. luận Thành duy thức Q.3, 4].