ngũ giác

Phật Quang Đại Từ Điển

(五覺) Chỉ cho Bản giác, Thủy giác, Tương tự giác, Tùy phần giác và Cứu cánh giác. 1. Bản giác: Tính giác thường trụ sẵn có. Nghĩa là bản thể của tâm xa lìa các niệm, thanh tịnh sáng suốt, đó là Pháp thân bình đẳng của Như lai. 2. Thủy giác: Nương vào công đức tu hành mà hiển bày thể của bản giác. Nghĩa là thể tính của bản giác vốn chân thực nhưng từ chân khởi vọng mà thành bất giác, nếu bỏ vọng về chân thì thể bản giác hiển hiện, nên gọi là Thủy giác. 3. Tương tự giác: Bồ tát ở giai vị Thập tín chứng được Thủy giác tương tự. Nghĩa là Bồ tát đã xả bỏ phân biệt chấp tướng thô trọng, sắp phá vỡ hoặc vô minh, thể bản giác sắp hiển lộ, tuy chưa thật sự chứng được nhưng đã gần giống với chân nên gọi là Tương tự giác. 4. Tùy phần giác: Bồ tát ở các giai vị Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng, đã tùy phần chứng được Thủy giác chân chính. Nghĩa là Bồ tát phá được 1 phẩm hoặc vô minh thì ngay đó chứng được 1 phần lí pháp tính, nhưng giác đạo chưa tròn đủ nên gọi là Tùy phần giác. 5. Cứu cánh giác: Bồ tát ở giai vị Diệu giác chứng được Thủy giác rốt ráo tột bậc, hợp làm 1 với Bản giác. Nghĩa là Bồ tát Thập địa đã hoàn thành nhân vị, chứng Phật quả Diệu giác, đầy đủ các phương tiện, thấy suốt tâm tính, xa lìa các niệm vi tế, tâm tính thanh tịnh thường trụ, cho nên gọi Cứu cánh giác. [X. luận Đại thừa khởi tín (ngài Chân đế dịch); Đại minh tam tạng pháp số Q.20].