ngũ gia thất tông

Phật Quang Đại Từ Điển

(五家七宗) Cũng gọi Ngũ phái thất lưu. Năm nhà 7 tông, từ gọi chung các phái Thiền Nam tông của Trung quốc. Tức là 5 tông: Lâm tế, Qui ngưỡng, Tào động, Vân môn và Pháp nhãn, cộng thêm 2 phái Hoàng long và Dương kì phát xuất từ tông Lâm tế mà gọi chung là 7 tông. Thiền tông Trung quốc từ Sơ tổ Bồ đề đạt ma truyền đến đời thứ 5 là ngài Hoằng nhẫn, sau đó chia làm 2 phái Bắc tông Thần tú và Nam tông Tuệ năng. Tổ Tuệ năng có 2 vị đệ tử lớn là Nam nhạc Hoài nhượng và Thanh nguyên Hành tư. Hai vị này lập thành 2 phái và truyền thừa như sau: 1. Sau ngài Nam nhạc Hoài nhượng truyền đến các vị: Mã tổ Đạo nhất, Bách trượng Hoài hải, Hoàng bá Hi vận, Lâm tế Nghĩa huyền. Ngài Nghĩa huyền phát triển Thiền pháp rất mạnh, lập thành tông Lâm tế. Từ ngài Nghĩa huyền lại truyền đến các vị: Hưng hóa Tồn tưởng, Nam viện Tuệ ngung, Phong huyệt Diên chiểu, Thủ sơn Tỉnh niệm, Phần dương Thiện chiêu và Thạch sương Sở viên. Sau ngài Sở viên lại truyền đến các vị: Hoàng long Tuệ nam và Dương kì Phương hội, 2 vị này lại sáng lập 2 phái là Hoàng long phái và Dương kì phái. Còn ngài Bách trượng Hoài hải thì truyền cho ngài Qui sơn Linh hựu, ngài Linh hựu lại truyền cho Ngưỡng sơn Tuệ tịch, lập ra Qui ngưỡng tông. Như vậy, pháp hệ của ngài Nam nhạc Hoài nhượng có 2 tông Lâm tế và Qui ngưỡng, 2 phái Hoàng long và Dương kì. 2. Pháp hệ của ngài Thanh nguyên Hành tư có 3 tông là Tào động, Vân môn và Pháp nhãn, nhưng sự truyền thừa của 3 tông này có nhiều thuyết khác nhau, nguyên nhân là vì có những quan điểm bất đồng về trường hợp pháp thống của Thiền sư Đạo ngộ. Nay trình bày sơ lược như sau: a) Theo Tống cao tăng truyện quyển 10, Cảnh đức truyền đăng lục quyển 14, Thiền lâm tăng bảo truyện quyển 4 và Truyền pháp chính tông kí quyển 7, thì Đạo ngộ là chỉ cho Thiên hoàng Đạo ngộ, đệ tử của Thiền sư Thạch đầu Hi thiên. Tức là ngài Thanh nguyên Hành tư truyền cho ngài Thạch đầu Hi thiên, ngài Thạch đầu Hi thiên lại truyền đến các vị Thiên hoàng Đạo ngộ và Dược sơn Duy nghiễm. Rồi ngài Thiên hoàng truyền đến các vị: Long đàm Sùng tín, Đức sơn Tuyên giám, Tuyết phong Nghĩa tồn và Vân môn Văn yển, người sáng lập tông Vân môn. Còn ngài Tuyết phong Nghĩa tồn thì truyền đến các vị: Huyền sa Sư bị, La hán Quế sâm và Pháp nhãn Văn ích người sáng lập tông Pháp nhãn. Về phía ngài Dược sơn Duy nghiễm, đồng môn với ngài Thiên hoàng Đạo ngộ, thì truyền đến các vị: Vân nham Đàm thạch, Động sơn Lương giới và Tào sơn Bản tịch người sáng lập tông Tào động. b) Cứ theo Tổ đình sự uyển quyển 1, Phật tổ lịch đại thông tải quyển 20, Thiền tông chính mạch quyển 7, Ngũ tông nguyên… thì có 2 vị Đạo ngộ. Thứ nhất: Thiên hoàng Đạo ngộ, đệ tử nối pháp của Thiền sư Thạch đầu Hi thiên, nhưng pháp thống của ngài Thiên hoàng Đạo ngộ chỉ truyền đến các vị Tuệ chân, U nhàn và Văn bôn là dứt. Thứ hai: Thiên vương Đạo ngộ, đệ tử của Thiền sư Mã tổ Đạo nhất, pháp thống của ngài Đạo ngộ này lần lượt truyền đến các vị Long đàm Sùng tín, Đức sơn Tuyên giám, Tuyết phong Nghĩa tồn, từ đó phát sinh 2 tông Vân môn và tông Pháp nhãn. Thuyết này căn cứ vào bài minh khắc trên bia của Thiền sư Đạo ngộ ở chùa Thiên vương tại phía tây thành Giang lăng, do ông Khâu huyền tố soạn c) Cứ theo Nhất nguyên ngũ phái biện, Ngũ phái nhất trích đồ và Phật tổ tông phái đồ… thì cũng đều chủ trương có 2 vị Đạo ngộ. Trong đó, Thiên vương Đạo ngộ là đệ tử của Thiền sư Mã tổ Đạo nhất thì cũng đồng với thuyết ở trên đã nói. Nhưng có thuyết khác cho rằng ngài Dược sơn Duy nghiễm, đồng môn với ngài Đạo ngộ, cũng là đệ tử của Mã tổ, rồi đem tông Tào động qui về pháp hệ của ngài Mã tổ, vì thế, trong Ngũ gia biện, ngài Hổ quan Sư luyện, vị tăng Nhật bản, mới chủ trương tất cả 5 nhà Thiền Nam tông của Trung quốc thuộc Pháp hệ của ngài Mã tổ Đạo nhất, khiến cho pháp thống của ngài Thanh nguyên Hành tư tiêu ma hết. Tuy nhiên, 1 vị tăng người Nhật khác là ngài Đức nghiêm Dưỡng tồn soạn Ngũ gia biện chính để bác bỏ thuyết của ngài Hổ quan Sư luyện. d) Cứ theo bài Bạt trong Nhân thiên nhãn mục của ngài Trí hựu, thì bài minh khắc trên bia của ngài Thiên vương Đạo ngộ là do người đời sau mượn tên của ngài Khâu huyền tố mà ngụy soạn, bởi vì những nhân duyên ngữ cú của Thiên vương Đạo ngộ được ghi trong văn bia này hoàn toàn tương đồng với những nhân duyên ngữ cú của Thiền sư Đàm chiếu (pháp hệ ngài Mã tổ)ở chùa Bạch mã được ghi trong Cảnh đức truyền đăng lục quyển 10 và trong Kinh châu cựu đồ chí. Cho nên ngài Trí hựu chủ trương chỉ có 1 Thiên hoàng Đạo ngộ là đệ tử nối pháp của Thiền sư Thạch đầu Hi thiên mà thôi. [X. Thích thị nguyên lưu ngũ tông thế phổ định tổ đồ tự; Phật tổ thống kỉ Q.29; Giáo ngoại biệt truyền Q.7; Lâm gian lục Q.thượng; Liên đăng hội yếu Q.19; Ngũ đăng hội nguyên Q.7; Ngũ gia ngữ lục tự; Ngũ gia tông phái đồ]. (xt. Ngũ Gia, Thiền Tông).