ngũ diệu dục

Phật Quang Đại Từ Điển

(五妙欲) Gọi tắt: Ngũ diệu. Chỉ cho 5 cảnh: Sắc, thanh, hương, vị, xúc. Năm cảnh hữu lậu này bản chất của chúng là khổ đau, nhơ nhớp, nhưng cái lòng ham muốn (dục) của người thế tục lại cảm nhận là vui sướng, là tuyệt diệu, vì thế gọi là Ngũ diệu dục. Phạm: Paĩca kàmà. Pàli: Paĩca Kàmà. I. Ngũ Dục. Cũng gọi Ngũ diệu dục, Diệu ngũ dục, Ngũ diệu sắc. Chỉ cho 5 thứ tình tham muốn do say đắm 5 trần cảnh: Sắc, thanh, hương, vị, xúc mà nổi lên. Đó là: 1. Sắc dục (Phạm: Rùpa-kàma): Tham đắm sắc đẹp của thế gian. 2. Thanh dục (Phạm: Zabda-kàma): Say đắm về âm thanh như lời ca, tiếng nhạc… 3. Hương dục (Phạm: Gandha-kàma): Đắm say mùi thơm như các loại nước hoa quyến rũ. 4. Vị dục (Phạm: Rasa-kàma): Tham muốn những thức ăn uống ngon ngọt. 5. Xúc dục (Phạm: Sprawỉavya-kàma): Ham thích sự xúc chạm mịn màng, trơn láng. Trái với ngũ dục thô trọng này của cõi Dục là 5 dục của cõi Sắc và cõi Vô sắc được gọi là Thanh khiết ngũ dục (5 dục trong sạch). [X. kinh Phật di giáo; luận Đại trí độ Q.17, 37; Ma ha chỉ quán Q.4 hạ]. II. Ngũ Dục. Chỉ cho 5 món dục: Tài dục, Sắc dục, Ẩm thực dục, Danh dục và Thụy miên dục.1. Tài dục: Tham muốn tiền của. 2. Sắc dục: Tham muốn sắc đẹp thế gian. 3. Ẩm thực dục: Tham muốn sự ăn uống. 4. Danh dục: Tham muốn danh vọng cao sang. 5. Thụy miên dục: Tham muốn sự ngủ nghỉ.[X. Hoa nghiêm kinh tùy sớ diễn nghĩa sao Q.27; Đại minh tam tạng pháp số Q.24].