ngũ đại tự nghĩa

Phật Quang Đại Từ Điển

(五大字義) Mật giáo dùng 5 câu Ngã giác bản bất sinh, xuất quá ngôn ngữ đạo, chư quá đắc giải thoát, viễn li ư nhân duyên, tri không đẳng hư không để giải thích nghĩa sâu xa của 5 đại: Địa, thủy, hỏa, phong, không. Tức là: 1. Ngã giác bản bất sinh(ta biết vốn không sinh): Là chữ (a), nghĩa của địa đại(đất). Ý nói các pháp vốn chẳng sinh, không thực có, như tâm của chúng ta chẳng phải xanh vàng đỏ trắng, vuông tròn dài ngắn, nếu tìm cầu thì cả quá khứ, hiện tại, vị lai tâm này đều không có, là bất khả đắc. Vì thế nói các pháp vốn không sinh. 2. Xuất quá ngữ ngôn đạo(đạo vượt ngoài lời nói): Là chữ (va), nghĩa của thủy đại (nước). Nghĩa là tất cả các pháp dùng lời nói để diễn đạt đều không thể được. Vì các pháp đã là tự nhiên như thế thì không thể dùng 8 khái niệm phù phiếm như: Sinh diệt, nhất dị, thường đoạn, khứ lai để biểu đạt. Bởi lẽ các pháp vốn dứt bặt ngôn ngữ tứ cú bách phi, xa lìa hí luận, như nước có công năng rửa sạch các vật. 3. Chư quá đắc giải thoát(các lỗi lầm được giải thoát): Là chữ (ra), nghĩa của hỏa đại(lửa). Ý nói tất cả các pháp trần cấu không thực có. Các pháp lấy 6 đại làm thể tính, mà thể của 6 đại thì thanh tịnh, mầu nhiệm, vốn không có bụi nhơ, chỉ vì tâm mê nên trở thành bất tịnh, đó là thực nghĩa của các pháp trần cấu không thực có, như lửa có công năng thiêu đốt bụi nhơ. 4. Viễn li ư nhân duyên (xa lìa mọi nhân duyên): Là chữ (ha), nghĩa của phong đại (gió). Ý nói nghiệp nhân của tất cả các pháp đều không có thật. Vì các pháp đã là không sinh thì vốn thực có, không phải nay mới sinh, cho nên không có nghiệp nhân, đó là thực nghĩa nghiệp nhân của tất cả các pháp không thực có, như gió có công năng phá hoại các vật. 5. Tri không đẳng hư không (biết tính không cũng đồng như hư không): Là chữ (kha), nghĩa của không đại. Ý nói tất cả các pháp giống như hư không, chẳng thể nắm bắt được. Vì các pháp xưa nay vốn không sinh không diệt, cho nên là đồng với hư không. Chẳng nắm giữ 1 vật gì là tính của không đại. Pháp quán về nghĩa của Ngũ đại tự trên đây, theo thuyếttrong Bí tạng kí quyển cuối, nếu quán về tính không thực có của chúng thì mới chỉ là nghĩa trừ mê mà thôi, còn quán về tính tròn sáng của chúng mới là nghĩa cùng tột. [X. phẩm Nhập chân ngôn trong kinh Đại nhật Q.2].