ngũ đài sơn

Phật Quang Đại Từ Điển

(五臺山) I. Ngũ Đài Sơn. Núi ở mạn đông bắc huyện Ngũ đài, tỉnh Sơn tây, Trung quốc. Núi này cùng với các núi Nga mi, Phổ đà và Cửu hoa được gọi chung là Tứ đại linh sơn của Phật giáo Trung quốc. Vì 4 ngọn núi ở bốn phía đông, tây, nam, bắc và 1 ngọn ở chính giữa cao chót vót, trên chóp núi không có cây cối, đất đá chồng xếp lên giống như những cái đài, nên gọi là Ngũ đài sơn. Lại vì 5 ngọn này cao lớn sừng sững, vượt lên trên các dãy núi khác, vào tháng nóng nhất trong mùa hạ cũng không nóng, cho nên còn có biệt hiệu là núi Thanh lương(mát mẻ). Đây vốn là đạo tràng của bồ tát Văn thù thị hiện, nên xưa nay rất được tín ngưỡng ở Trung quốc. Phẩm Bồ tát trụ xứ trong kinh Hoa nghiêm và kinh Bảo tạng đà la ni nói rằng, chỗ ở của bồ tát Văn thù là 5 ngọn núi, gọi là núi Thanh lương. Đây là nguồn gốc của tín ngưỡng Văn thù. Trong 5 ngọn núi, ngọn phía đông có tên là Vọng hải phong, cũng gọi Vô tuất đài, Thường sơn đính; ngọn phía tây là Quải nguyệt phong, cũng gọi Mậng đăng sơn, ngọn phía nam là Cẩm tú phong, cũng gọi Hệ chu sơn, ngọn phía bắc là Hiệp đẩu phong, cũng gọi Hạ ốc sơn, Phú tú đỏa; ngọn chính giữa có tên là Thúy nham phong. Từ khi vua Văn đế nhà Bắc Ngụy du ngoạn Thúy nham phong và sáng lập chùa Đại phù đồ linh thứu về sau, chùa Phật được xây dựng rất nhiều tại đây. Vào thời thịnh nhất, chùa Phật ở trong và ngoài 5 ngọn có đến hơn 300 ngôi, hiện nay còn khoảng hơn 100 ngôi. Trong đó có nhiều chùa rất nổi tiếng như: Chùa Đại Phật quang, chùa Đại Hiển thông, chùa La hầu, chùa Thanh lương, chùa Kim các, chùa Bắc sơn, chùa Vọng hải, chùa Đại văn thù v.v… Có rất nhiều vị danh tăng có quan hệ với núi này như ngài Bất không xây dựng chùa Kim các, chùa Ngọc hoa… là trung tâm của Mật giáo. Ngài Pháp chiếu xây chùa Trúc lâm, tu tập Niệm Phật tam muội, sau có ngài Viên nhân người Nhật bản, kế thừa giáo pháp Niệm Phật tam muội của ngài Pháp chiếu, đưa về truyền bá ở núi Tỉ duệ, mở đầu pháp môn Dẫn thanh niệm Phật tại Nhật bản. Ngài Trừng quán đời Đường thì soạn bộ Hoa nghiêm kinh sớ ở chùa Đại Hoa nghiêm. Ngoài ra còn nhiều vị cao tăng sống vào đời Tống cũng đến tham bái núi Ngũ đài, như ngài Từ tạng người Cao li, ngài Phật đà ba lợi người nước Kế tân v.v… Đến đời Nguyên, Hoàng thái hậu của vua Thành tông từng kiến thiết chùa Đại vạn Thánh hựu quốc và trùng tu các chùa ở núi Ngũ đài. Quốc sư Bát tư ba cũng có lần trụ ở núi này. Khoảng năm Vạn lịch đời Minh, chùa Đại tháp viện được sửa chữa lại, tháp xá lợi Hộ quốc Thích ca văn Phật được xây trên đài tháp, thân tháp làm hình cầu, trên đặt tướng luân 13 bậc, tháp cao 27 trượng, chu vi 25 trượng, là tháp Lạt ma kiểu Tây tạng, 1 cảnh quan tráng lệ nhất trong núi. Từ Hoàng đế Khang hi trở về sau, vua chúa các đời đều đến núi này và sửa sang lại. Các tín đồ Phật giáo Mãn châu, Mông cổ cũng thường đến đây lễ tháp. Các vị Đạt lai lạt ma cũng nhiều lần đến trụ ở đây. Hiện nay, các vị tăng trụ ở Ngũ đài chia làm 2 phái: Phái áo xanh và phái áo vàng. Chư tăng thuộc phái áo xanh trụ ở chùa Đại hiển thông, chùa Kim các, chùa Đại tháp viện, chùa Linh cảnh v.v… Còn các vị tăng thuộc phái áo vàng là chư tăng Lạt ma, trụ ở 18 ngôi chùa như: Bồ tát đính, Kim cương quật, La hầu v.v…[X. Tục cao tăng truyện Q.7, 25; Đại tông triều tặng Tư không đại biện chính Quảng trí tam tạng hòa thượng biểu chế tập Q.2; Phật tổ thống kỉ Q.42, 43, 45; Thanh lươngsơn chí; Nguyên sử bản kỉ 10, 18, 22; Khang hi đông hoa lục Q.32, 61; Càn long đông hoa lục Q.24, 31; Gia khánh đông hoa lục Q.28, 30;Cổ kim đồ thư tập thành sơn xuyên điển 31-34; Chức phương điển 29]. II. Ngũ Đài Sơn. Núi ở quận Bình xương, đạo Giang nguyên, Hàn quốc. Núi này và núi Kim cương được gọi chung là 2 núi lớn của Hàn quốc. Trên núi này có 5 ngọn: Mãn nguyệt, Kì lân, Trường lãnh, Tượng vương và Trí lô. Ở chỗ bằng phẳng trên các ngọn núi này đều có xây chùa hoặc am, trong đó, chùa Thượng viện có tàng trữ quả chuông Triều tiên xưa nhất của cả nước. Ở ngay cửa vào núi là chùa Nguyệt tinh với tòa tháp 9 tầng là do Luật sư Từ tạng, người Tân la sáng lập. Ngài Từ tạng đến Trung quốc vào đời Đường, lên núi Ngũ đài chiêm bái bồ tát Văn thù, khi trở về nước, ngài thỉnh xá lợi Phật về và xây dựng chùa Nguyệt tinh để thờ. Hiện nay, chùa này là 1 trong 31 bản sơn của Phật giáo Hàn quốc. Tòa tháp 9 tầng ở chùa này và quả hồng chung của chùa Thượng viện đều là tinh túy của mĩ thuật Tân la.