ngũ cổ ấn

Phật Quang Đại Từ Điển

(五股印) Cũng gọi Đại yết ma ấn, Ngũ phong ấn, Ngũ trí ấn, Ngũ đại ấn. Ấn tướng có hình dáng cây chày kim cương 5 chĩa(ngũ cổ) biểu thị nghĩa 5 trí, 5 Phật. Là 1 trong các ấn bí mật được sử dụng trong nghi thức truyền pháp Quán đính của Mật giáo. Có nhiều loại: 1. Ngoại Ngũ Cổ Ấn. Cũng gọi Ngoại phược ngũ cổ ấn, Trí pháp ấn, Đại suất đô bà ấn, Thập chân như ấn. Gồm 2 ấn tướng: a) Hai tay kết ngoại phược, 2 ngón giữa dựng như cái kim, 2 ngón cái và ngón út mở ra. Đây là ấn của Kim cương tát đỏa trong hội Tam muội da nói trong Liên hoa bộ tâm nghi quĩ. b) Hai tay kết ngoại phược, ngón giữa, ngón cái, ngón út của 2 tay đều dựng thẳng và sáp vào nhau, 2 ngón trỏ co lại giống như cái móc câu, đặt ở bên cạnh lưng của ngón giữa nhưng không dính nhau, làm thành hình cái chày 5 chĩa, biểu thị cho 5 trí kim cương. Phẩm Mật ấn kinh Đại nhật bảo ấn này là ấn của Kim cương đại tuệ, của Bảo ấn thủ… Phẩm Ái nhiễm vương trong kinh Du kì quyển thượng thì cho là ấn của Ái nhiễm Minh vương. Còn phẩmTựa kinh Du kì thì cho rằng ấn này là ấn chung của 37 vị tôn, cũng tức là ấn tối mật của Đại nhật Như lai. 2. Nội Ngũ Cổ Ấn. Cũng gọi Nội phược ngũ cổ ấn. Ấn tướng là 2 tay kết nội phược, ngón vô danh của 2 tay giao nhau trong lòng bàn tay, các ngón còn lại thì giống như ấn Ngoại ngũ cổ phược. Đây là ấn Chấp kim cương nói trong phẩm Mật ấn của kinh Đại nhật. 3. Bán Ngũ Cổ Ấn. Ấn tướng là 4 ngón của tay phải xòe ra, ngón giữa để ở chính giữa tạo thành hình cái chày 5 chĩa. Ấn này được sử dụng khi gia trì các vật. 4. Ngoại Phược Đô Ngũ Cổ Ấn. Ấn tướng là trước kết Ngoại ngũ cổ ấn, sau đó các đầu ngón tay chụm vào 1 chỗ để làm 5 chĩa. Phẩm Mật ấn trong kinh Đại nhật bảo ấn này là của bồ tát Kiên cố ý. 5. Nội Phược Đô Ngũ Cổ Ấn. Ấn tướng là Nội ngũ cổ ấn, chụm 5 đầu ngón tay vào 1 chỗ làm thành 5 cái chĩa. [X. Đại nhật kinh sớ Q.13, 17].