ngũ chủng vô

Phật Quang Đại Từ Điển

(五種無) Năm nguyên lí Vô (không) của học phái Thắng luận ở Ấn độ. Học phái Thắng luận chia tất cả sự vật khách quan thành 6 phạm trù lớn như Thực, Đức, Nghiệp v.v… gọi là Lục cú nghĩa(6 nguyên lí). Về sau lại thêm Vô thuyết nữa mà thành Thất cú nghĩa. Vô thuyết (Phạm: Abhàva) nghĩa là chẳng có, không tồn tại. Sáu cú nghĩa trước đều thuộc về cú nghĩa Hữu (có), còn Vô thuyết thì thuộc về cú nghĩa Phi hữu (chẳng phải có). Trong luận Thắng tông thập cú nghĩa, Luận sư Tuệ nguyệt (Phạm: Mati-candra) của học phái Thắng luận có nêu ra 5 thứ cú nghĩa Vô thuyết như sau: 1. Vị sinh vô (Phạm: Pràg-abhàva): Các nhân duyên Thực, Đức, Nghiệp không đầy đủ nên vẫn chưa sinh ra. 2. Dĩ diệt vô (Phạm: Pradhavaô= sàbhàva): Các nhân duyên Thực, Đức, Nghiệp hoặc vì thế lực của nhân đã hết, hoặc do trái duyên mà sinh, nên mặc dù đã sinh thành nhưng cuối cùng cũng sẽ hoại diệt, không tồn tại được. 3. Cánh hỗ vô (Phạm: Anyonyàbhàva): Các nhân duyên Thực (đất, nước, lửa, gió, không, thời gian, phương sở, ngã, ý), Đức, Nghiệp… chẳng tồn tại lẫn cho nhau, như bò chẳng phải ngựa (tức sự tồn tại của bò chẳng phải sự tồn tại của ngựa và ngược lại), cái lọ sành chẳng phải là vải… 4. Bất hội vô: Hữu tính và các nhân duyên Thực, Đức, Nghiệp… không hòa hợp nhau, cho nên rốt cuộc không có. Như nói con thỏ không sừng, tức con thỏ và sừng không hòa hợp nhau. 5. Tất cánh vô (Phạm:Atyantàbhàva): Vì không có nhân nên trong 3 thời quá khứ, hiện tại và vị lai đều không sinh khởi, tức là từ đầu đến cuối đều chẳng có, tuyệt đối không tồn tại. (xt. Thập Cú Nghĩa).