ngũ chủng thuyết nhân

Phật Quang Đại Từ Điển

(五種說人) Năm hạng người có khả năng thuyết pháp. I. Ngũ Chủng Thuyết Nhân. Theo luận Đại tri độ quyển 2 thì 5 hạng người có khả năng thuyết pháp là: Phật, đệ tử Phật, tiên nhân, chư thiên và hóa nhân. Quán kinh huyền nghĩa phần quyển 1 của ngài Thiện đạo thì liệt kê: Phật thuyết, Thánh đệ tử thuyết, Thiên tiên thuyết, quỉ thần thuyết, và biến hóa thuyết. Quán kinh huyền nghĩa phần truyền thông kí quyển 4 thì nêu: Duy ma sở thuyết, Bát nhã chuyển giáo, Pháp hoa lãnh giải… tức do các Thánh đệ tử nói. Còn trong các kinh ghi Phạm thiên, Đế thích… thuyết pháp tức là chư thiên nói. Bà tẩu trong Phương đẳng tức là do tiên nhân nói. Địa thần trong kinh Kim quang minh, 10 La sát trong kinh Pháp hoa… tức là do quỉ thần nói. Trong 4 hạng người trên đây, người ẩn nguyên hình của mình đi, biến hóa ra thể khác để nói pháp, tức là do Biến hóa nói, như lúc đức Phật nhập Niết bàn, ngài Kiêu phạm ba đề biến hóa làm nước mà nói kệ. Bốn loại người nêu trên khi nói pháp, nếu được đức Phật ấn khả, thì đều gọi là Phật thuyết. [X. luận Phân biệt công đức Q.1; Đại A la hán nan đề mật đa la sở thuyết pháp trụ kí; Vô lượng thọ kinh nghĩa sớ Q.thượng (Tịnh ảnh)]. II. Ngũ Chủng Thuyết Nhân. Cũng gọi Ngũ loại thuyết. Kinh Hoa nghiêm chia những người có khả năng thuyết pháp làm 5 loại, tức là: 1. Phật: Như các phẩm A tăng kì, phẩm Tướng hảo trong kinh Hoa nghiêm là do đức Phật nói. 2. Bồ tát: Như các phẩm Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng v.v… kinh Hoa nghiêm đều do các Bồ tát nói. 3. Thanh văn: Phần đầu của phẩm Nhập pháp giới, kinh Hoa nghiêm là các bậc Thanh văn nói. 4. Chúng sinh: Như các thiện hữu nêu trong kinh Hoa nghiêm tức là chúng sinh nói pháp. 5. Khí thế giới: Như cây Bồ đề, thuộc khí thế giới, cũng có khả năng diễn nói pháp âm. [X. Hoa nghiêm kinh sớ Q.1]. (xt. Ngũ Loại Thuyết Pháp]. III. Ngũ Chủng Thuyết Nhân. Năm hạng người có khả năng nói chân ngôn. Theo Đại nhật kinh sớ quyển 7 thì 5 loại người có khả năng nói chân ngôn là: Như lai, Bồ tát Kim cương, Nhị thừa, Chư thiên và Địa cư thiên. Trong đó, Địa cư thiên là chỉ cho các loài rồng, chim, tu la… [X. Đại tì lô giá na thành Phật kinh văn thứ đệ; Đại nhật kinh sớ sao Q.2].