ngũ chủng tam muội da

Phật Quang Đại Từ Điển

(五種三昧耶) Chỉ cho 5 loại Tam muội da của tông Chân ngôn. Tam muội da nghĩa là thệ nguyện, cũng tức là giới pháp không được trái phạm. Năm Tam muội da theo thứ tự là: 1. Sơ kiến tam muội da: Mới được thấy Tam muội da, ở bên ngoài cách xa đàn tràng lễ bái Mạn đồ la, đem hương hoa để cúng dường, chưa được trao cho chân ngôn và ấn khế. 2. Nhập đổ tam muội da: Được đưa vào đàn Mạn đồ la và trông thấy chỗ ngồi của Mạn đồ la, nếu muốn thỉnh chân ngôn và ấn khế thì được theo ý muốn mà trao cho. 3. Cụ đàn tam muội da: Vị A xà lê đặc biệt vì người này mà làm Mạn đồ la, tâu trình các vị tôn và ấn… đồng thời trao chân ngôn, thủ ấn và các hành pháp cho họ. 4. Truyền giáo tam muội da: Hành giả có khả năng nương theo các pháp tắc của môn Chân ngôn mà tu trì, đồng thời đã biết đủ các phương tiện mà duyên đàn cần có, xứng đáng ở vào địa vị làm thầy, thì vị A xà lê liền cử hành nghi lễ truyền giáo Mạn đồ la cho. 5. Bí mật tam muội da: Trong đàn bí mật thụ quán đính đúng như pháp, đã vào đàn này thì sinh được trí bí mật, thấy hết ấn đàn phối vị như giáo pháp đã nói. Đến đời sau, 5 loại Tam muội da trên đây được phối hợp với pháp Quán đính: Sơ kiến tam muội da là Mạn đồ la cúng, Nhập đổ tam muội da là Kết duyên quán đính, Cụ đàn tam muội da là Thụ minh (Học pháp) quán đính, Truyền giáo tam muội da là Truyền pháp quán đính và Bí mật tam muội da là Dĩ tâm quán đính. [X. phẩm Bí mật mạn đồ la trong kinh Đại nhật Q.5; Đại nhật kinh sớ Q.15; Bồ đề tâm nghĩa Q.3; Đại nhật kinh sớ sao Q.3; Nhũ vị sao Q.15].