ngũ chủng tam đế

Phật Quang Đại Từ Điển

(五種三諦) Năm loại Tam đế do tông Thiên thai thành lập. Tức là: 1. Biệt giáo cách lịch tam đế, cũng gọi Thứ đệ tam đế, Biệt tướng tam đế. Tính chất đặc biệt của 3 đế (Không đế, Giả đế, Trung đế) này là ngăn cách không dung thông, Không chẳng phải Giả, Trung; Giả chẳng phải Không, Trung; Trung chẳng phải Không, Giả. Người tu hành trước hết phải chứng Không đế, rồi tiến đến chứng Giả đế, sau cùng mới chứng Trung đế, không phải chứng một là chứng tất cả. Đây là 3 đế cách biệt của Biệt giáo. 2. Viên giáo viên dung tam đế, cũng gọi Bất thứ đệ tam đế, Phi tung phi hoành tam đế. Tính chất đặc biệt của 3 đế này là viên dung không ngăn ngại. Tức là theo đức dụng mà chia làm 3: Không, Giả, Trung, nhưng thể của chúng thì chỉ là một, viên dung nhau không trở ngại. Đây là Tam đế viên dung của Viên giáo. 3. Biệt tiếp Thông tam đế: Căn cơ được tiếp dẫn từ chân đế và tục đế của Thông giáo mà phát hiện Trung đế, Trung đạo được nhận biết là Đãn trung (chỉ là Trung, chứ chẳng dung Không, Giả). 4. Viên tiếp Thông tam đế: Căn cơ được tiếp dẫn như trên, cũng từ chân đế và tục đế của Thông giáo mà phát hiện Trung đế, nhưng Trung đạo được nhận biết ở đây là Bất đãn trung(chẳng những chỉ là Trung mà còn dung hàm cả Không và Giả). 5. Viên tiếp Biệt tam đế: Từ 3 đế cách biệt của Biệt giáo mà phát hiện Trung đế, Trung đế ở đây cũng là Bất đãn trung. [X. Pháp hoa huyền nghĩa Q.2, phần cuối, Q.3, phần đầu, Q.5, phần đầu].